Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định thu hồi hơn 65 ha rừng nằm trong tổng số 191 ha đất và rừng đã cho Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên thuê từ năm 2006.
Nguyên nhân là do đơn vị được giao đất để người dân lấn chiếm, xảy ra mất rừng với diện tích lớn mà không thể ngăn chặn kịp thời. Như vậy sau khi thu hồi, Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên không còn dự án nào trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, theo Quyết định số 1361/QĐ-UBND, ngày 28/5/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi 65,13 ha rừng tại xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) đã giao cho Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên thuê và làm dự án từ tháng 6/2010. Diện tích rừng được thu hồi này là phần còn lại, sau khi đã trừ phần diện tích rừng bị mất mà doanh nghiệp trên đã bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại.
Trước đó, ngày 23/3/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định số 614/QĐ-UBND, thu hồi toàn bộ diện tích 191,07 ha đất đã giao cho Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên từ năm 2006 tại tiểu khu 443 thuộc xã Lộc Phú. Diện tích đất sau khi thu hồi được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý.
Được biết, từ tháng 4/2006, UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên thuê tổng diện tích 191,07 ha. Đến năm 2010, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án trồng rừng, chăn nuôi lợn rừng và các loại gia súc, gia cầm dưới tán rừng với tổng diện tích 191,07 ha, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án 250 tỷ đồng và kéo dài trong 50 năm. Theo các điều khoản trong dự án này, chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, bảo vệ 81,31 ha rừng hiện có, đồng thời trồng thêm rừng trên diện tích đất trống 106,94 ha.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, từ năm 2006 đến tháng 6/2020, doanh nghiệp này để thiệt hại tới 103 ha rừng. Nhiều diện tích rừng bị người dân lấn chiếm, trồng cây cà phê, cây ăn quả, nhưng không được ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, tại khu vực rừng được giao, chủ đầu tư còn để bị lấn chiếm, xây dựng ít nhất 32 căn nhà, chòi trái phép.
Sau khi thu hồi diện tích đất và rừng trước đây đã giao cho Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên thuê, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng được giao phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm và các đơn vị liên quan điều chỉnh, đưa phần diện tích đất, rừng này vào quy hoạch 3 loại rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định; đồng thời tham mưu để điều chỉnh ranh giới diện tích đất rừng theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý.
Trong những năm gần đây, do nhiều người từ nơi khác đổ xô tới đầu tư, nên giá trị đất ở, đất nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng tăng lên tới hàng tỷ đồng/sào (1.000m2) đất sản xuất. Thực tế này dẫn đến hiện trạng một số đối tượng bất chấp việc vi phạm pháp luật, đã tổ chức hủy hoại rừng để xâm chiếm đất rừng làm đất sản xuất mà không được kịp thời ngăn chặn. Nhiều doanh nghiệp được giao diện tích rừng để làm các dự án đã không thể bố trí lực lượng ngăn chặn, dẫn đến tình trạng để mất rừng.
Một số doanh nghiệp sau khi xảy ra tranh chấp, bị lấn chiếm đất đã liên tục kêu cứu, nhưng không nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng, dẫn đến việc phải bỏ dự án đang đầu tư dở dang…
Theo Tin tức TTXVN
Xem bài viết gốc tại đây: