Mặc dù chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép nhưng CTCP xây lắp điện Đức Bảo – Kon Tum ngang nhiên đưa phương tiện phá và chiếm rừng phòng hộ, mở đường vào thi công hầm bổ sung nước 2, dự án thủy điện Nước Long, xã Ba Ngạc, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Mặc dù chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép nhưng CTCP xây lắp điện Đức Bảo – Kon Tum ngang nhiên đưa phương tiện phá và chiếm rừng phòng hộ, mở đường vào thi công hầm bổ sung nước 2, dự án thủy điện Nước Long, xã Ba Ngạc, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Theo Báo cáo số 157/BC-HKL của Hạt Kiểm lâm huyện miền núi Ba Tơ, qua kiểm tra tại hiện trường, đoàn kiểm tra phát hiện, CTCP xây lắp điện Đức Bảo – Kon Tum (đơn vị thi công) đã phá gần 4.883m2 đất rừng trái pháp luật và đất rừng phòng hộ bị chiếm, mở đường công vụ vào thi công hầm bổ sung nước 2, dự án thủy điện Nước Long.
Toàn bộ đất rừng phòng hộ bị phá và chiếm đều nằm trên lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh tại xã Ba Ngạc, huyện miền núi Ba Tơ.
Cụ thể, diện tích bị phá rừng trái luật 1.230m2 tại vị trí lô 4, khoảnh 5, tiểu khu 375 và lô 11, khoảnh 8, tiểu khu 371, với hiện trạng rừng tự nhiên lá rộng thường xanh nghèo núi đất.
Đất rừng phòng hộ bị chiếm là 3.653m2, tại các vị trí lô 4, 4a, 14, 9, khoảnh 5, tiểu khu 375.
Trên tuyến đường công vụ vừa mở với chiều dài đường 579m, chiều rộng mặt đường từ 4 – 7m, cơ quan chức năng ghi nhận hàng loạt cây rừng bị cưa hạ bằng máy cưa và sử dụng máy đào, đào bới đất gây thiệt hại cây rừng. Phần lớn cây rừng bị vùi lấp dưới đất; diện tích đất không có rừng quy hoạch chức năng phòng hộ bị đào bới, san ủi làm đường bằng máy đào…
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, các cơ quan chức năng huyện miền núi Ba Tơ yêu cầu chủ đầu tư dự án thủy điện ngừng thi công đường công vụ; tiến hành kiểm đếm, đánh dấu số cây thuộc rừng phòng hộ bị đốn hạ; tổ chức lực lượng chốt chặn bảo vệ hiện trường, ngăn chặn không để tiếp tục xảy ra hành vi phá rừng trái pháp luật.
Chiều 31-5, sau khi đến hiện trường kiểm tra thực tế; đồng thời làm việc với các đơn vị chức năng của tỉnh và huyện, Chủ tịch UBND huyện miền núi Ba Tơ Phạm Xuân Vinh khẳng định, sai phạm của chủ đầu tư thủy điện nước Long đã quá rõ ràng, yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ và chủ đầu tư xác lập lại chính xác diện tích rừng phòng hộ đã vi phạm, hoàn chỉnh hồ sơ, tham mưu cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.
“Quan điểm của huyện sai phạm là phải xử lý nghiêm. Sai phạm tới đâu, xử lý tới đó. Mức xử phạt như thế nào giao cho các cơ quan tham mưu. Nếu thuộc thẩm quyền của huyện thì huyện ra quyết định, thẩm quyền của tỉnh thì tỉnh ra quyết định”, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Phạm Xuân Vinh chỉ đạo UBND xã Ba Ngạc, Ba Tiêu phối hợp chủ đầu tư tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động, báo cáo cho người dân hiểu rõ về dự án, tạo sự đồng thuận cao nhất, tuyệt đối không để xảy ra điểm nóng, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Dự án thủy điện Nước Long do CTCP thủy điện Nước Long – Đức Bảo làm chủ đầu tư, có công suất 26MW, diện tích đất hơn 33ha, trong đó có 6,9ha là rừng phòng hộ, nằm trên địa phận giáp ranh giữa huyện Kon Plông (Kon Tum) và huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi), tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 đưa vào hoạt động.
Dự án này không có trong quy hoạch thủy điện tại tỉnh Quảng Ngãi, đến tháng 8-2017 mới được bổ sung vào quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh.
Theo Nhân Dân
Ảnh: Khu vực rừng phòng hộ ở xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ bị phá, chiếm trái phép để mở đường công vụ vào thi công thủy điện Nước Long.
Xem bài viết gốc tại đây: