Tập trung thực hiện nhiều dự án về cải thiện môi trường

Từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ tập trung đầu tư thực hiện nhiều dự án lớn về cải thiện môi trường, chống ngập. Cụ thể, xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (kết nối với tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).

Dự án này vừa được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư, và hiện đang được ngành chức năng tích cực chuẩn bị triển khai. Dự án được thực hiện từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á.

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), đi qua quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp, cũng đang được ngành chức năng triển khai.

Dự án này không những góp phần cải thiện môi trường, chống ngập cho khu vực rạch Xuyên Tâm mà còn có vai trò rất quan trọng trong việc “giữ sạch” cho kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (đã được nạo vét, cải tạo).

Bởi lẽ, rạch này kết nối trực tiếp với kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. TPHCM cũng triển khai dự án cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ (giai đoạn 3) nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị cho lưu vực này. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thiện dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ triển khai thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước và nạo vét kênh rạch giai đoạn 2021-2025 với tổng chiều dài hệ thống thoát nước được bổ sung khoảng 96km và chiều dài kênh rạch được cải tạo khoảng 5km. Để thực hiện hàng loạt công trình nêu trên, TPHCM cần khoảng trên 101.000 tỷ đồng.

Nhận định về công tác chống ngập của TPHCM, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, thời gian qua thành phố có nhiều nỗ lực nhưng do nguồn lực có hạn nên đa phần triển khai các dự án mang tính nhỏ lẻ, hiệu quả không cao. Đặc biệt là các dự án chống ngập bằng cách nâng đường, mà thực ra chỉ là chuyển ngập sang điểm mới.

Có những dự án chống ngập quy mô lớn toàn thành phố đã quy hoạch từ lâu, nhưng nay vẫn chưa vận hành. Tuy nhiên, cũng cần phải nói, quy hoạch chống ngập của TPHCM phần nhiều đã lạc hậu do không đánh giá đúng về tình trạng biến đổi khí hậu.

Nhiều hệ thống cống thoát nước vừa lắp đặt xong đã lạc hậu so với tần suất và lưu lượng mưa. Do đó, vấn đề trước mắt là phải xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch chống ngập, đặc biệt phải cập nhật, phù hợp với đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đang được điều chỉnh.

Trên cơ sở quy hoạch mới, phù hợp hơn, khả thi hơn, TPHCM phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch trên cơ sở tìm nguồn lực thực thi các dự án chống ngập có quy mô lớn, có tính liên kết khu vực trong thoát nước, ngăn triều. Trước mắt, cần nạo vét hệ thống kênh, rạch và hình thành các hồ thoát nước nằm xen cài trong khu dân cư. Đặc biệt trong các khu dân cư mới phải có hồ điều tiết nước, đảm bảo thoát nước cho khu dân cư. Điều này vừa giúp điều hòa nhiệt độ vừa giúp chi phí đầu tư ít tốn kém.

Hà Dịu – Báo SGGP

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Ảnh: Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Ảnh: MẠNH LINH

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.sggp.org.vn/tap-trung-thuc-hien-nhieu-du-an-ve-cai-thien-moi-truong-734483.html