Hà Nội: Cuối ngày bầu cử, có 99,13% cử tri tham gia bỏ phiếu

Tính đến cuối ngày bầu cử (19h30), tính chung trên toàn thành phố Hà Nội, tổng số cử tri đã đi bầu cử đạt tỷ lệ 99,13%; có 2.602 khu vực bỏ phiếu đã đạt tỷ lệ 100%; có 167 xã, phường, thị trấn đã đạt tỷ lệ 100% cử tri đi bầu cử. Quận Ba Đình vẫn giữ vị trí đứng đầu toàn Thành phố về tỷ lệ cử tri đi bầu cử…

Thông tin cập nhật mới nhất từ Sở Nội vụ Hà Nội – Cơ quan Thường trực Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội cho thấy, tính đến 19h30 hôm nay (23/5), tiến độ cử tri đi bầu cử tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau: Quận Ba Đình đạt 99,98%; quận Hoàn Kiếm đạt 99,8%; quận Đống Đa đạt 99,92%; quận Hai Bà Trưng đạt 99,68%; quận Tây Hồ đạt 99,96%; quận Cầu Giấy đạt 99,53%; quận Thanh Xuân đạt 96,62%; quận Hoàng Mai đạt 99,45%; quận Long Biên đạt 99,6%; quận Hà Đông đạt 98,57%; quận Bắc Từ Liêm đạt 98,88%; quận Nam Từ Liêm đạt 99,03%; huyện Chương Mỹ đạt 99,2%;

Huyện Thanh Oai đạt 98,36%; huyện Ứng Hòa đạt 95,75%; huyện Mỹ Đức đạt 99,6%; huyện Phú Xuyên đạt 97,36%; huyện Thường Tín đạt 98,76%; huyện Thanh Trì đạt 98,12%; huyện Gia Lâm đạt 99,64%; huyện Đông Anh đạt 99,64%; huyện Mê Linh đạt 97,9%; huyện Sóc Sơn đạt 98,58%; huyện Hoài Đức đạt 99,29%; huyện Đan Phượng đạt 99,55%; huyện Quốc Oai đạt 99,52%; huyện Thạch Thất đạt 99,62%; huyện Phúc Thọ đạt 99,61%; thị xã Sơn Tây đạt 98,95%; huyện Ba Vì đạt 99,86%.

Như vậy, quận Ba Đình vẫn giữ vị trí đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất, huyện Ứng Hòa đạt tỷ lệ thấp nhất.

Tính chung trên toàn Thành phố, tổng số cử tri đã đi bầu cử tính đến 19h30 đạt tỷ lệ 99,13%.

Toàn Thành phố có 2.602 khu vực bỏ phiếu đã đạt tỷ lệ 100% cử tri đi bỏ phiếu, tập trung nhiều nhất tại huyện Ba Vì với 214 khu vực bỏ phiếu đạt tỷ lệ 100%. Có 167 xã, phường, thị trấn đã đạt tỷ lệ 100% cử tri đi bầu cử, trong đó huyện Ba Vì cũng có nhiều xã phường nhất (20 xã, phường) đạt 100%.

Trình tự kiểm phiếu và nguyên tắc xác định người trúng cử

Theo quy định chung, ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vào lúc 19 giờ ngày 23/5 (trường hợp đặc biệt có thể kéo dài đến 21 giờ cùng ngày), việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu.

Cụ thể, quy định tại Điều 73 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.

Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm kê (đếm), niêm phong phiếu bầu cử chưa sử dụng và phiếu bầu cử do cử tri gạch hỏng (nếu có), lập biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (theo Mẫu số 35/HĐBC). Toàn bộ phiếu bầu cử chưa sử dụng và phiếu bầu cử bị gạch hỏng được niêm phong và gửi kèm theo biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu đến các Ban bầu cử tương ứng.

Tiếp đó, Tổ bầu cử mời 2 cử tri là người biết chữ, có uy tín trong nhân dân tại địa bàn và không phải là những người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại khu vực bỏ phiếu đó chứng kiến việc mở hòm phiếu. Người ứng cử hoặc người đại diện hợp pháp của người ứng cử và các phóng viên được chứng kiến việc kiểm phiếu của Tổ bầu cử, nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn để Tổ bầu cử thực hiện nhiệm vụ kiểm phiếu.

Tổ trưởng Tổ bầu cử mở hòm phiếu chính và hòm phiếu phụ (nếu có) để tiến hành việc kiểm phiếu. Sau đó, Tổ bầu cử thực hiện việc phân loại phiếu bầu theo màu phiếu bầu đại biểu Quốc hội, màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; kiểm kê (đếm) tổng số phiếu trong hòm phiếu để xác định số phiếu thu vào và bàn giao các loại phiếu cho các nhóm đã được phân công của Tổ bầu cử để bắt đầu việc kiểm phiếu.

Quận Hoàng Mai triển khai hòm phiếu phụ giúp các cử tri đang thuộc đối tượng cách ly tham gia bỏ phiếu.

Tổ bầu cử tiến hành kiểm tra tổng số phiếu thu vào so với tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Nếu tổng số phiếu thu vào bằng hoặc ít hơn số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử mới được tiến hành kiểm phiếu. Trường hợp tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải kiểm tra lại; nếu kiểm tra lại vẫn cho kết quả tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì lập tức niêm phong hòm phiếu và báo cáo ngay Ban bầu cử tương ứng để giải quyết. Trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết của Ban bầu cử thì Ban bầu cử phải kịp thời báo cáo Ủy ban bầu cử tương ứng để xem xét, quyết định.

Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bầu cử, trừ trường hợp bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.

Người trúng cử phải là người ứng cử có số phiếu bầu đạt quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ. Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn.

Trường hợp cuối danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.

Hoàng Phúc – Báo LĐTĐ

Theo Lao Động Thủ Đô

Ảnh: Huyện Gia Lâm triển khai hòm phiếu phụ giúp các cử tri đang thuộc đối tượng cách ly tham gia bỏ phiếu.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodongthudo.vn/ha-noi-cuoi-ngay-bau-cu-co-9913-cu-tri-tham-gia-bo-phieu-123619.html