Mong đưa hồ Núi Cốc trở thành khu du lịch quốc gia, thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã thu hút đầu tư, sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng một số công trình giao thông trọng điểm tại đây. Tuy nhiên, các dự án đều chậm tiến độ, có dự án đã ‘biến mất’.
Mong đưa hồ Núi Cốc trở thành khu du lịch quốc gia, thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã thu hút đầu tư, sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng một số công trình giao thông trọng điểm tại đây. Tuy nhiên, các dự án đều chậm tiến độ, có dự án đã “biến mất”.
Xây dựng dở dang
Năm 2016, người dân xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ vui mừng khi thấy tuyến đường nối từ đường ĐT.261 đến khu vực đền Gàn bên hồ Núi Cốc được triển khai xây dựng hoành tráng. Đây là tuyến đường rộng lớn, dài gần 4 km, trong đó có nhiều đoạn chạy ven hồ Núi Cốc, giúp khách thập phương đến đền Gàn thuận lợi. Tuyến đường do Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BT với tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng.
Một đoạn tuyến đường dài khoảng gần 1 km chạy ven hồ Núi Cốc, nối đến đền Gàn đã được giải phóng mặt bằng, thi công bạt núi san gạt mặt bằng để tạo nền đường. Ông Nguyễn Đức Tiến, ở xã Vạn Thọ nhớ lại: “Khi đó, người dân trong xã rất phấn khởi. Nhưng không hiểu sao từ năm 2017 thì người ta dừng thi công đến nay. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên lãnh đạo xã và huyện nhưng không được hồi âm”.
Việc thi công dở dang đã gây nhiều phiền toái cho người dân địa phương và du khách. Trời nắng còn đỡ, cứ mưa xuống thì nhiều đoạn trơn trượt, lầy thụt không thể dắt xe máy qua được. Bên cạnh đó, một số hộ dân của xã Vạn Thọ và xã Lục Ba, huyện Đại Từ bị thu hồi đất ở và đất sản xuất để làm tuyến đường này nhưng đến nay chưa được bố trí đất tái định cư, ở lại thì không biết tuyến đường có được thi công tiếp hay không. Người dân mong các cơ quan chức năng sớm thông báo có xây dựng tiếp tuyến đường nữa hay không để yên tâm sinh sống, sản xuất trên diện tích đã được quy hoạch.
Sau khi xây dựng dở dang tuyến đường đến nay, doanh nghiệp Xuân Trường bỏ không thi công nữa. Nguyên nhân chủ yếu được biết đến là thiếu vốn đầu tư và các thủ tục liên quan việc thanh toán theo hình thức PPP, hợp đồng BT. Tỉnh Thái Nguyên có chủ trương hủy bỏ hình thức đầu tư tuyến đường này theo hình thức PPP, hợp đồng BT để chuyển sang đầu tư công. Nhưng thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng không nhắc đến tuyến đường này nữa.
Bao giờ giải tỏa, khắc phục, phê duyệt?
Tháng 7-2018, tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức lễ khởi công đường Bắc Sơn kéo dài, nối trung tâm TP Thái Nguyên vào Khu du lịch hồ Núi Cốc dài 9,5 km, đoạn rộng nhất lên đến 100 m, được coi là tuyến đường rộng lớn nhất tỉnh, cũng do Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT với số vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng. Theo tiến độ, đường Bắc Sơn kéo dài được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2020, nhưng đến nay còn rất nhiều công việc chưa thể triển khai, trong đó có những vị trí chưa giải phóng được mặt bằng.
Bên cạnh đó, dự án sử dụng vốn đầu tư công để góp phần phát triển du lịch hồ Núi Cốc cũng không khá hơn, tiến độ triển khai cũng rất chậm trễ. Cụ thể, tuyến đường ven hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư 123 tỷ đồng, dài gần 3 km, được triển khai xây dựng từ nhiều năm qua và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 12-2020, nhưng trên thực tế khối lượng công việc mới triển khai được khoảng 65%. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn vốn được cấp nhỏ giọt, đến hết năm 2020 mới được cấp 72 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 cấp thêm 20 tỷ đồng. Mặt khác, 700 m của tuyến đường này lại quy hoạch trùng chéo với một dự án du lịch khác nên trong quá trình triển khai gặp vướng mắc, phải chờ điều chỉnh quy hoạch. Việc giải phóng mặt bằng tuyến đường cũng có bất cập, đó là ta-luy dương được giải phóng quá hạn hẹp, không thể cắt tầng, dẫn đến sạt lở vào đất của người dân, mùa mưa năm 2019 khối lượng đất, đá lớn sạt xuống trùm lên nhiều đoạn mà đến nay chưa thể khắc phục. Với tình trạng như vậy, không biết đến bao giờ đường ven hồ Núi Cốc mới hoàn thành.
Mặc dù ngày 18-11-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2228/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhưng đến nay đã hơn bốn năm mà Đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu chức năng quan trọng vẫn chưa được phê duyệt. Điều này góp phần kéo theo nhiều dự án du lịch khác trong khu vực chưa được triển khai. Dư luận đang băn khoăn về năng lực quản lý, triển khai quy hoạch và các dự án đối với các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên.