Ga đường sắt Bình Triệu, Thủ Thiêm dù đã có quy hoạch hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa được triển khai, TP.HCM phải gửi văn bản cầu cứu.
Theo chuyên gia giao thông, cần phải đẩy nhanh triển khai hai ga đầu mối Bình Triệu, Thủ Thiêm vì liên quan đến bài toán kết nối vùng và sự đồng bộ với hệ thống khác. Đồng thời, hai ga quan trọng này sẽ giúp giảm thiểu sự giao cắt giữa đường sắt và đường bộ như hiện nay.
Ga “treo”, ga thiếu chỉ tiêu quy hoạch
Nói đến ga đường sắt ở TP.HCM, chắc hẳn nhiều người dân không còn lạ lẫm với hình ảnh ga Bình Triệu đã nằm im trên giấy suốt 20 năm nay. Từ năm 2002, kiến trúc sư trưởng TP.HCM đã phê duyệt chi tiết sử dụng đất tỉ lệ 1/2.000 khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh). Trong đó, ga Bình Triệu có cơ cấu sử dụng hơn 41 ha đất.
Đến năm 2017, UBND TP.HCM kiến nghị điều chỉnh quy hoạch đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc, di dời ga Bình Triệu và ga Sài Gòn (ga Hòa Hưng, quận 3) ra ngoài trung tâm TP. Tuy nhiên, quan điểm này không được Bộ GTVT chấp thuận. Đồng thời, cơ quan chức năng cho xây dựng phương án giữ nguyên hiện trạng, làm đoạn đường sắt trên cao từ ga Sài Gòn đến ga Bình Triệu.
Đến năm 2013, theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt, đường sắt Bắc – Nam khu vực TP.HCM, đoạn từ Bình Triệu đến Hòa Hưng thành đường sắt trên cao. Đến nay, dự án trên vẫn chưa được triển khai.
Ngoài ga Bình Triệu có vai trò đấu nối với giao thông đường bộ thuận lợi đi về các hướng đông – bắc, tây – bắc và về miền Tây qua quốc lộ 1, quốc lộ 13, vào sâu trung tâm tới ga Hòa Hưng thì một ga đầu mối quan trọng khác chính là ga Thủ Thiêm. Ga này nằm tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức và nhiều năm nay cũng bị “treo” tương tự.
Cụ thể, trong quyết định năm 2013 của Thủ tướng về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 và quyết định năm 2013 của Bộ GTVT về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM xác định ga Thủ Thiêm là ga đầu mối nhiều tuyến.
Ga này là ga đầu mối kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt nhẹ TP.HCM – Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các loại hình phương tiện giao thông công cộng khác (tuyến đường sắt đô thị số 2 và tuyến xe buýt nhanh BRT số 1).
Tuy nhiên, theo văn bản mới nhất Sở GTVT TP.HCM gửi Sở KH&ĐT TP.HCM, nội dung kiến nghị trung ương tháo gỡ các khó khăn của những dự án trọng điểm thì hiện chưa thể xác định các giải pháp tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc của khu vực nhà ga này.
Cụ thể, cảnh quan trên mặt đất, không gian xây dựng ngầm cũng như cụ thể chức năng và các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật để làm cơ sở lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực nhà ga Thủ Thiêm vẫn chưa thể xác định.
“Trong giai đoạn hiện nay là chưa đủ cơ sở để tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu vực nhà ga Thủ Thiêm” – văn bản của Sở GTVT TP.HCM nêu.
TP.HCM cấp tập kiến nghị trung ương gỡ vướng
Về ga Bình Triệu và ga Thủ Thiêm, trong văn bản gửi Sở KH&ĐT TP.HCM, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm gửi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT sớm triển khai nội dung đã thống nhất tại cuộc họp ngày 26-3-2021 về giải quyết các vấn đề trên.
Trước đó, cuộc họp ngày 26-3 giữa Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã cơ bản thống nhất “Bộ GTVT sẽ chỉ đạo đơn vị thuộc bộ chủ trì nghiên cứu quy hoạch chi tiết ga đầu mối Thủ Thiêm để có cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư”.
Tại cuộc họp này, các bên hữu quan cũng cơ bản đưa ra phương án giải quyết cho ga Bình Triệu. Cụ thể, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan xem xét cơ chế triển khai thực hiện công tác bồi thường, tái định cư đối với các tổ chức, cá nhân nằm trong ranh quy hoạch ga Bình Triệu trong giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là phải sớm ổn định đời sống của người dân, cũng như xúc tiến kế hoạch đầu tư triển khai xây dựng ga theo quy hoạch.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, nhận định: “Chúng ta nên có kế hoạch tận dụng những nguồn vốn, xem xét lại quy hoạch đường sắt tại TP.HCM để sớm đầu tư các ga đầu mối trên. Đặc biệt là ga Thủ Thiêm khi đây là nơi kết nối nhiều tuyến đường quan trọng trong tương lai”.
Còn về ga Bình Triệu, ông Hùng cho rằng việc làm đường sắt trên cao từ ga Bình Triệu về ga Hòa Hưng là hợp lý. Bởi theo nguyên lý giao thông, không nên có những giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trong nội đô TP như hiện nay.
Nói thêm về vấn đề này, PGS-TS Chu Công Minh (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong việc đầu tư các dự án giao thông vẫn là vốn. Vì vậy, nhiều dự án dù có quy hoạch nhưng vẫn phải nằm chờ nhiều năm.
“Chúng ta nên có các cơ chế đầu tư, hợp tác công tư như thế nào để khuyến khích thêm nhà đầu tư cho các dự án giao thông. Ngoài ra, các ga đấu nối là cực quan trọng bởi vừa khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng nhiều hơn, vừa hạn chế được xe cá nhân” – ông Minh phân tích.
Theo ông Minh, cần có một “nhạc trưởng” như Bộ GTVT hoặc một ban chỉ đạo được thành lập để nhanh chóng giải quyết các vấn đề liên quan, thúc đẩy làm càng sớm càng tốt các ga đường sắt này.
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị về đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt. Sở GTVT TP cho biết tính đến thời điểm tháng 1, trên địa bàn TP có tổng cộng 24 vị trí đường ngang giao cắt đường sắt. Sở đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, vạch dừng, gờ giảm tốc, hạ tầng kỹ thuật tại các đường ngang để điều chỉnh hoặc bổ sung cho phù hợp theo quy định và phù hợp với thực tế trong phạm vi ngành đường sắt quản lý. |
Huy Vũ – Báo PLO.VN
Theo PLO.VN
Ảnh: Ga đường sắt Bình Triệu dù đã có quy hoạch hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa được triển khai. Ảnh: HOÀNG GIANG
Xem bài viết gốc tại đây:
https://plo.vn/do-thi/tphcm-sot-ruot-cac-ga-duong-sat-nam-cho-tren-giay-986917.html