Bộ GTVT vừa có Quyết định 1782 điều chỉnh dự án này và sẽ triển khai thực hiện vào quý III năm 2021, nếu thuận lợi dự kiến dự án hoàn thành trong năm 2022.
Tin vui từ Quyết định 1782 của Bộ GTVT
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 1 của dự án đầu tư nâng cấp kênh Chợ Gạo, tổng vốn 786 tỉ đồng được thực hiện bằng vốn trái phiếu Chính phủ với khối lượng nạo vét 17/28,6 km từ đoạn Rạch Lá đến Kỳ Hôn đạt tiêu chuẩn cấp II đường thủy nội địa, xây dựng 6,25 km kè thảm đá bờ bắc và 5,9 km kè trồng cây tại rạch Kỳ Hôn và Rạch Lá cùng nhiều công trình phụ trợ khác…
Sau khi giai đoạn 1 của dự án hoàn thành đưa vào khai thác đã góp phần đáng kể giảm ùn tắc giao thông thủy, nâng cao năng lực vận tải tàu thuyền tàu từ ĐBSCL đi TP.HCM và ngược lại, đảm bảo an toàn giao thông thủy trên toàn tuyến, chống xói lở, đảm bảo được an toàn cho một bộ phận nhân dân ven kênh Chợ Gạo.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan khiến giai đoạn 2 của dự án bị “treo” trong thời gian dài, ảnh hưởng đến hiệu quả toàn dự án và đời sống nhân dân sống ven hai bên bờ kênh.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có Quyết định 1782 phê duyệt điều chỉnh dự án này và sẽ triển khai thực hiện vào quý III năm 2021, nếu thuận lợi dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022. Đây là tin vui cho chính quyền và người dân địa phương.
Theo đó, dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang (giai đoạn 2) do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, với các công việc như: tiếp tục nạo vét luồng chạy tàu bờ Nam kênh Chợ Gạo; cao độ đáy từ -4,90 mét đến -5,10 mét; xây dựng bờ kè; 10 bãi đổ đất nạo vét; đường dân sinh và 2 cây cầu… Dự án đi qua địa bàn các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan và một phần thị trấn Chợ Gạo.
Sau khi dự án hoàn thành, luồng đường thủy trên kênh Chợ Gạo sẽ có độ sâu hơn 3,5m, chiều rộng hơn 50m và bán kính cong hơn 500m, đáp ứng tốt hơn cho phương tiện thủy vận tải hàng hóa lưu thông qua. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án 1.336 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, với quy mô chính là nạo vét 11,6 km đạt tiêu chuẩn luồng đường thủy cấp II, kiên cố hóa kè bờ, làm cầu, đường dân sinh, cải tạo, bạt một số đoạn mom đất trên đoạn Rạch Lá – Kỳ Hôn; trong đó chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư trên 556 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 498 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, sau khi Bộ GTVT vừa có Quyết định 1782 điều chỉnh dự án này và sẽ triển khai thực hiện vào quý III năm 2021. Về phía địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cam kết tích cực phối hợp với các bộ, ngành để triển khai dự án được thuận lợi; vận động người dân đồng tình, ủng hộ giúp công tác giải phóng mặt bằng được nhanh chóng, tạo thuận lợi để khởi động dự án, vừa đảm bảo an toàn giao thông thủy, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL, vừa khắc phục sạt lở một cách căn cơ, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong vùng.
Mục tiêu đa chức năng
Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, cùng với việc nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo, để phát huy tối đa công năng công trình, đơn vị đang phối hợp với Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang về dự án xây dựng hệ thống xi phong dẫn nước ngọt từ phía Tây qua kênh Chợ Gạo nhằm cấp nguồn nước ngọt từ Dự án Bảo Định cho vùng Dự án ngọt hóa Gò Công trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, khó lường…
Ông Nguyễn Văn Anh, Phó phòng NN-PTN huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết: Phía huyện đã kiến nghị tỉnh và Trung ương sớm cho thi công dự án xi phông qua kênh Chợ Gạo để lấy nước ngọt từ sông Bảo Định để tiếp nước cho hệ ngọt hóa Gò Công. Bởi hiện nay nguồn nước từ hệ Bảo Định dư thừa, mực nước phía bên kia kênh Chợ Gạo hiện là 0,8m trong khi ở đây cao trình nước lấy vô bên đây chỉ từ 0,0 – 0,3m, chênh lệch gần 0,5 mét nước. Vì thế, dự án này rất khả thi, giải quyết bài toán hạn mặn cho cả vùng ngọt hóa Gò Công về lâu dài.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, ngoài các giải pháp như tiết kiệm nguồn nước, làm kênh mương thủy lợi, đào ao hồ chứa nước, mở cống Xuân Hòa lấy nước ngọt từ Sông Tiền, thì giải pháp kéo đường ống đưa nước ngọt từ khu vực phía Tây của kênh Chợ Gạo qua phía Đông của tuyến kênh này là hiệu quả nhất.
“Hệ thống kênh thủy lợi của phía Tây kênh Chợ Gạo lấy nước từ sông Bảo Định tại thành phố Mỹ Tho có nguồn nước ngọt tốt hơn và dồi dào hơn từ cống Xuân Hòa. Do vậy, khi độ mặn lên cao, cống Xuân Hòa đóng thì cống Gò Cát (sông Bảo Định) vẫn còn mở để tiếp nhận nước ngọt từ sông Tiền. Nếu xi phông, lắp đường ống dẫn nước ngang kênh Chợ Gạo thì sẽ giải quyết được bài toán chống hạn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang”, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang khẳng định.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết: “Huyện Chợ Gạo chịu ảnh hưởng của cả hai dự án Bảo Định và Ngọt hóa Gò Công, nên phương án phòng, chống và ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô trên địa bàn huyện Chợ Gạo ứng với các trường hợp xâm nhập mặn tại các vùng dự án”.
Theo ông Pháp, đối với vùng dự án Ngọt hóa Gò Công, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho khoảng 7.212 ha và đặc biệt là đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho khoảng 65.945 người dân trên địa bàn các xã (Bình Phục Nhứt, Bình Phan, An Thạnh Thủy, Bình Ninh, Hòa Định, Xuân Đông, một phần thị trấn Chợ Gạo…). Còn tại vùng dự án Bảo Định, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho khoảng hơn 12.000 ha (6.450 ha thanh long, 810 ha bưởi, 2.791 ha dừa, còn lại là rau màu)…
“Tuyến kênh Chợ Gạo (dài 28,5 km), là tuyến đường thủy ngắn nhất từ tỉnh Tiền Giang và các tỉnh ven sông Tiền về TP.Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, có hàng ngàn tàu tải trọng từ 200 tấn đến 1.000 tấn và sà lan trọng tải trên 3.000 tấn hoặc sà lan chở container lưu thông hai chiều trên kênh. Do vậy, sau khi nâng cấp hoàn chỉnh kênh Chợ Gạo, tiếp theo cần phải nghiên cứu tổng thể, có sự kết nối các tuyến kênh khác vào kênh Chợ Gạo để tạo cho giao thông thủy được liên hoàn. Đồng thời, cũng nên kết nối các tuyến đường bộ vào tuyến kênh này, nhằm hình thành các bến cảng, khu vực logistics để tập hợp hàng hóa, dễ dàng xuất đi các cảng lớn”, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh.
Minh Sáng – Trần Trung – Báo Nông Nghiệp
Theo Nông Nghiệp
Ảnh: Giai đoạn 1 của dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo đã hoàn thành đưa vào khai thác đã góp phần đáng kể giảm ùn tắc giao thông thủy, nâng cao năng lực vận tải tàu thuyền tàu từ ĐBSCL đi TP.HCM và ngược lại. Ảnh: Hồ Duy.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nongnghiep.vn/ky-4-bo-gtvt-quyet-khoi-dong-cho-gao-trong-nam-2022-d291554.html