2 hồ thắng cảnh ở Sóc Sơn tiếp tục bị lấn chiếm

Loạt hồ lớn ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội đang bị san lấp, lấn chiếm nghiêm trọng nhưng việc xử lý quá chậm, cơ quan chức năng có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm.

Mới đây, nhiều người dân huyện Sóc Sơn phản ánh tới Tiền Phong về hiện tượng san gạt đất lấn chiếm 2 hồ thắng cảnh là Đồng Quan và Đồng Đò.

Từ phản ảnh của đọc giả, PV Tiền Phong ghi nhận tại hồ Đồng Quan, hồ nước nhân tạo lớn nhất huyện Sóc Sơn, tại ngã 3 đường 35 thuộc xã Phù Linh đang bị san gạt, lấn chiếm lòng hồ. Ước tính, có nghìn khối đất đỏ đang được san gạt dần xuống lòng hồ để chuẩn bị cho việc xây dựng. Theo người dân tại đây, khu vực bị quây rào tháng 4, đại công trường liên tục có xe tải lớn Howo đi tới, bên ngoài được che chắn cẩn thận bởi tôn xanh cao hơn 1m. Xe chở đất cát khiến khu vực ô nhiễm nghiêm trọng, đồng thời ảnh hưởng hệ sinh thái, cảnh quan hồ.

Phía trên trục đường 35 (thuộc xã Quang Tiến), khu rừng cây lâu năm cũng đang bị đào bới để xây dựng các công trình khác nhau.

Hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) là nơi diễn ra việc “xẻ thịt” đất rừng xôn xao dư luận một thời gian dài. Trong khi kết luận thanh tra còn chưa ráo mực, tại một số địa điểm, các công trình trái phép tiếp tục mọc lên. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, một số công trình dạng nghỉ dưỡng, homestay đang được xây dựng bên hồ nhỏ. Tại một mảnh đất phía gần tòa biệt thự Hoàng Lê Gia Garden còn đang sang gạt đất lấn chiếm lòng hồ.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn nói rằng, căn cứ quy định pháp luật, hồ nước đang được giao cho các xí nghiệp thủy nông quản lý, do đó, nếu có vi phạm đổ đất lấn chiếm lòng hồ, huyện phải chờ biên bản báo cáo của xí nghiệp quản lý hồ mới có thể xử lý được.

Trong khi đó, Chi cục Thủy lợi Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) khẳng định, tất cả vị trí dưới mặt đập hồ Đồng Quan, Xí nghiệp Thủy lợi Sóc Sơn đều phải có trách nhiệm lập biên bản báo cáo. Riêng đối với trường hợp san gạt đất báo Tiền Phong phản ảnh, Xí nghiệp đã có biên bản gửi xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn theo đúng trình tự, nhưng đến nay, cơ quan chức năng chưa xử lý.

Ông Lê Văn Quy, Chủ tịch UBND xã Phù Linh, nói rằng, Xí nghiệp Thủy nông mới lập biên bản vụ việc nhưng chưa cung cấp thông tin về bình độ, cao độ mặt nước cho địa phương. UBND xã cũng đã có báo cáo gửi huyện, nhưng huyện chưa có văn bản chỉ đạo. “Trong trường hợp sai phạm sẽ phải xúc toàn bộ đất đã đổ, hoàn trả hồ như hiện trạng ban đầu”, lãnh đạo xã Phù Linh nói.

Trước thông tin về việc xây dựng trái phép tại hồ Đồng Chầm, khu du lịch có tên Đà Lạt – Tiên Cảnh Hà Nội, ông Quy khẳng định, khu vực đang khai thác là của ông Nguyễn Quốc Phi người địa phương, vỡ hoang từ năm 1991. Ông này ký hợp đồng thuê hơn 10,85 ha hồ Đồng Chầm và đang sử dụng đúng mục đích là nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, khu vực đó trước nhiều hố bom, cỏ dại nên chính quyền quản lý lỏng lẻo, không có bản đồ, nên phát sinh phức tạp.

Liên quan đến việc xử lý, khắc phục sau thanh tra về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi ranh giới quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa có văn bản chỉ đạo yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn báo cáo trước ngày 30/6 về việc khắc phục sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi ranh giới quy hoạch đất rừng. Thanh tra Thành phố Hà Nội được giao tiếp tục theo dõi, đốc thúc, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

Hiểu Minh – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Khu vực hồ Đồng Quan có dấu hiệu bị san lấp nhưng khó xử lý do chồng chéo quản lý

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/2-ho-thang-canh-o-soc-son-tiep-tuc-bi-lan-chiem-post1337479.tpo