Các dự án chống ngập tại TP HCM đã lạc hậu khiến nguy cơ ngập lụt sẽ tiếp tục gia tăng
Ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết đã trình UBND TP kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước từ đây đến năm 2025. Kế hoạch này đưa ra sau buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.
Vẫn chậm tiến độ
Những năm qua, TP HCM triển khai hàng chục dự án chống ngập nhưng nhiều dự án trọng điểm vẫn còn chậm tiến độ. Từ thực trạng so với quy hoạch tổng thể thoát nước chỉ đạt 46% tiến độ.
Đặc biệt, dự án xây dựng cống ngăn triều với hơn 10.000 tỉ đồng chỉ đạt khối lượng 96%, đang tạm ngưng triển khai từ nửa năm nay. Nguyên nhân do chủ đầu tư và UBND TP chưa thống nhất về việc ký kết các phụ lục hợp đồng. Trong khi đó, tình trạng xả rác làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, kênh rạch ngày càng gia tăng; quá trình đô thị hóa dọc các tuyến đường diễn ra nhanh chóng, hạ tầng thoát nước chưa kịp phát triển theo quy hoạch gây ra tình trạng ngập úng; bê-tông khiến việc thẩm thấu nước vào lòng đất hạn chế; các quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi hiện nay lạc hậu không còn phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị.
Từ thực trạng này, Sở Xây dựng kiến nghị từ đây đến cuối năm 2021, TP sẽ khởi công 12 dự án trọng điểm và hoàn thành trước năm 2025, gồm 11 dự án chống ngập và 1 dự án vệ sinh môi trường với tổng kinh phí hơn 8.000 tỉ đồng. Nhiều nhất là TP Thủ Đức với 3 dự án gồm: Đường số 8 (phường Phước Bình; 120 tỉ đồng): Lắp đặt cống thoát nước, tái lập phui đào, thảm nhựa mặt đường; lắp đặt cống, tái lập phui đào và thảm nhựa mặt đường Nguyễn Duy Trinh (300 tỉ đồng); cải tạo cống thoát nước, giảm ngập đường Lã Xuân Oai (hơn 35 tỉ đồng)…
Lo thêm “lô cốt”
Kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam, chuyên gia đô thị, cho biết nhìn tổng thể, các dự án chống ngập hiện tại của TP chỉ mang tính “chắp vá”. Nếu cùng một lúc triển khai các dự án này sẽ khiến mặt đường xuất hiện thêm các “lô cốt” và người dân lại đối mặt cảnh kẹt xe. Hơn nữa, thời điểm làm dự án là lúc học sinh đi học và mùa mưa khiến nhiều bất lợi và ảnh hưởng đời sống người dân.
“Các dự án triển khai trên những tuyến đường có khu dân cư hình thành từ lâu. Điều này cho thấy nguy cơ đào đường đặt lại ống cống gây ra sự lãng phí rất lớn” – ông Nam phân tích và cho rằng hiện nay, việc chống ngập đang mang tính chạy đua.
Tình trạng khai thác nước ngầm diễn ra vô tội vạ làm đất nền lún tạo điểm ngập phát sinh. Tại các quận, huyện như 12, Bình Tân, Bình Chánh, nhiều đường mở ra không đầu tư hệ thống cống, tương lai khi dân cư ở kín sẽ thành điểm ngập mới, TP lại phải bỏ tiền chống ngập. Vì thế, cần giải pháp lâu dài và bền vững. Khi cụm dân cư mới hình thành phải đầu tư hệ thống chống ngập song song hạ tầng, chi phí ban đầu tốn kém nhưng về sau không còn cảnh đào đường lắp ống cống.
GS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Công nghệ và Quản lý môi trường, cho biết TP HCM thừa nhận các dự án chống ngập ở TP đã lạc hậu, chậm trễ và các dự án triển khai vẫn mang tính nhỏ lẻ. Khả năng chống ngập điểm này sẽ chuyển ngập sang điểm mới. Có những dự án chống ngập quy mô lớn toàn TP đã quy hoạch từ lâu nhưng nay vẫn chưa vận hành. Giải pháp lâu dài vẫn là đốc thúc các dự án chống ngập hiện còn chậm và đẩy mạnh các dự án chống ngập khác quy mô lớn hơn. Ông Bá kiến nghị TP xem xét khi chống ngập cần mang tính liên kết vùng, liên kết các tỉnh, thành lân cận để việc thoát nước, ngăn triều mang tính tầm nhìn hơn.
ThS Lê Chánh, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, bày tỏ: “Năm 2012-2014, người dân khóc ròng vì lô cốt xây dựng dự án chống ngập bày khắp mặt đường. Nay lại thêm lo ngại việc này. TP cần nạo vét hệ thống kênh, rạch và hình thành các hồ thoát nước nằm xen cài khu dân cư. Điều này vừa điều hòa nhiệt độ vừa giúp chi phí đầu tư ít tốn kém”.
TP HCM sau 13 năm chống ngập Theo Sở Xây dựng TP HCM, năm 2008, TP có 126 điểm ngập; năm 2011 chỉ còn 58 điểm. Năm 2015, TP còn 40 tuyến đường ngập, trong đó có 17 tuyến đường thường xuyên ngập mỗi khi mưa. Đến cuối năm 2020, TP đã giải quyết được 22/40 tuyến đường trục chính (đạt 55%) và 179 tuyến hẻm, đường nhánh (đạt 100%). Các tuyến đường từng được xem là điểm ngập nghiêm trọng như vòng xoay Cây Gõ, đường 3 Tháng 2, Lê Hồng Phong, Kỳ Đồng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh… đã không còn ngập nước. |
Bài và ảnh: Lê Phong – Báo NLĐ
Theo Người Lao Động
Ảnh: Người dân sống tại đường Mễ Cốc, quận 8, TP HCM chuẩn bị bao cát chống ngập khi triều cường
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-chi-them-8000-ti-dong-chong-ngap-2021051622404305.htm