Cải tạo rạch Xuyên tâm TP Hồ Chí Minh: Lòng vòng gần 20 năm vẫn nằm trên giấy, đội vốn hơn 4.000 tỷ đồng

Năm 2002, đã có chủ trương cải tạo rạch Xuyên Tâm, TP Hồ Chí Minh sau gần 20 năm dự án trở lại vạch xuất phát, sử dụng vốn ngân sách để đầu tư. Trước đó, đã có một số đối tác đề xuất thực hiện dự án với nhiều hình thức khác nhau, cuối cùng chẳng đối tác nào làm được, phải sử dụng vốn ngân sách đầu tư.

Đoạn trường dự án 20 năm nằm trên giấy

Rạch Xuyên Tâm có tổng chiều dài 8,2km, bao gồm rạch chính dài 6,4km và 3 nhánh, gồm rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân và Rạch Lăng. Rạch Xuyên Tâm chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp, điểm đầu nối vào sông Vàm Thuật, điểm cuối nối với kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Hiện tại, dọc theo lưu vực của rạch Xuyên Tâm là điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Nhiều đoạn rạch đã bị lấn chiếm, xây dựng chiều ngang chỉ còn chưa đến 1m, dòng chảy bị tắc nghẽn, nước thải ùn ứ, đen kịt, bốc mùi hôi thối quanh năm… Năm 2002, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm.

Tháng 3/2011, Công ty Cổ phần Hà Nội Ngàn Năm (HNNN) đã chính thức có báo cáo đầu kỳ dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và chỉnh trang đô thị ven rạch cho Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh. Theo đó, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được chia thành ba giai đoạn, gồm các hạng mục: Giải tỏa nhà lấn chiếm ven kênh, nạo vét toàn tuyến, xây dựng bờ kè dọc tuyến, đường giao thông hai bên kênh và thực hiện di dân… Dự án được Công ty Cổ phần HNNN đề xuất làm theo hình thức BT (đổi đất lấy công trình) với tổng vốn khoảng 7.000 tỉ đồng.

Trước Công ty Cổ phần HNNN, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được UBND TP giao cho Tập đoàn Wijaya Baru Global Berhad (Malaysia) nghiên cứu, nhưng sau đó nhà đầu tư này đã ngừng nghiên cứu.

Năm 2015, Công ty Cổ phần HNNN tiếp tục có đề xuất xin được đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với tổng vốn đầu tư là 5.106 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng ước tính gần 1.100 tỷ đồng. Nhà đầu tư hoàn vốn bằng cách khai thác quỹ đất (Giải tỏa rộng ra 2 bên, khai thác quỹ đất) trong khu vực dự án mà không cần hỗ trợ từ ngân sách TP.

Ngoài Công ty Cổ phần HNNN, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị được hỗ trợ đến 70% (khoảng 3.500 tỉ đồng) tổng vốn đầu tư thực hiện dự án, với điều kiện có ít nhất một nhà đầu tư Nhật Bản sẽ được tham gia. Theo JICA, mục đích của dự án là cải thiện môi trường, ngăn thủy triều dâng, phát triển hạ tầng vận tải và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân vùng ven rạch Xuyên Tâm là hợp lý, phù hợp với khái niệm của cơ quan này về Hợp tác công tư (PPP).

Tháng 4/2017, Đoàn công tác Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có chuyến đi Nhật Bản và đã gặp nhóm nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm dự án rạch Xuyên Tâm gồm Công ty Daiwa Houssing, Mitsubishi, Fujita Engineering, Oriental Consulting Group và một công ty trong nước là Công ty Cổ phần HNNN. Tại buổi gặp các nhà đầu tư quan tâm đến dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, ông Đinh La Thăng đã cam kết giải phóng mặt bằng không quá 18 tháng, quyết tâm để trong năm 2017 khởi động dự án và hoàn thành trước năm 2020.

Với sự quyết tâm cao độ, có những thời điểm dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm tưởng chừng đã thành công đến nơi. Đáng tiếc, sau gần 20 năm kể từ lúc có chủ trương, đến nay dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm vẫn nằm trên giấy.

Đầu tư cải tạo rạch Xuyên Tâm bằng vốn ngân sách

Ngày 10/6/2020, UBND TP Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khảo sát dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm

Vấn đề đặt ra, vì sao các đề xuất của doanh nghiệp, đối tác nước ngoài trước đây về thực hiện dự án không tiếp tục được thực hiện. Một cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho biết, sau khi có chủ trương sử dụng vốn ngân sách để đầu tư cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án được giao về cho Ban quản lý.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư là 9.325 tỉ đồng (gần gấp đôi so với đề xuất năm 2015 của Công ty Cổ Phần HNNN). Trong đó, tiền đền bù là 4.859 tỉ đồng, chi phí xây dựng là 3.866, còn lại và chi phí dự phòng…Quy mô dự án bao gồm xây dựng gồm cải tạo, kè bảo vệ bờ; xây dựng tuyến đường giao thông từ 4 đến 6 làn đường ở hai bên rạch và trên cống bê tông; xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của TP và đáp ứng nhu cầu thoát nước với phạm vi lưu vực 703ha.

Báo cáo với Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong trong buổi khảo sát dự án sáng ngày 24/4/2021, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho rằng, cần sớm triển khai dự án bởi nếu chậm trễ sẽ khiến dự án tăng vốn. Chi phí đền bù giải tỏa của dự án rất lớn nên càng để lâu sẽ càng tăng thêm. Nếu mức đầu tư dự án trên 10.000 tỉ đồng sẽ vượt thẩm quyền của TP, lúc đó phải xin chủ trương đầu tư của Quốc hội. Để đẩy nhanh tiến độ, TP có thể xin Trung ương hỗ trợ chi phí đền bù, giải tỏa, phần chi phí xây dựng có thể kêu gọi đầu tư theo hình thức BT.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn, do vậy TP Hồ Chí Minh sẽ sớm làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, đồng thời kêu gọi đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, tính toán việc tái định cư cho các hộ dân, bảo đảm đời sống Nhân dân…

Cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thể khẳng định một cách chắc chắn, bao giờ thì có thể triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm. Dự án chưa được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua, nguồn vốn đầu tư khó khăn… Nếu phải thực hiện thủ tục đấu thầu theo quy định sẽ mất ít nhất vài năm mới có thể bước vào giai đoạn triển khai…

Huy Khánh – Báo KTĐT

Theo Kinh tế & Đô thị

Ảnh: Rạch Xuyên Tâm đoạn nối vào kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, ngay trung tâm TP Hồ Chí Minh vẫn lô nhô nhà ổ chuột ven kênh rạch

Xem bài viết gốc tại đây:

http://kinhtedothi.vn/cai-tao-rach-xuyen-tam-tp-ho-chi-minh-long-vong-gan-20-nam-van-nam-tren-giay-von-doi-gan-gap-doi-418325.html