Hàng loạt công trình không phép bức tử sông Cà Lồ

Dòng sông Cà Lồ cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho nhiều địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội đang bị bức tử không thương tiếc.

Người dân vô tư “xẻ thịt” lòng sông để nuôi thủy sản, xây dựng chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm, thậm chí có cả những biệt phủ lấn ra tận lòng sông Cà Lồ đoạn qua TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc).

Vô tư “xẻ thịt” sông Cà Lồ

Một ngày đầu tháng 5/2021, dẫn chúng tôi “mục sở thị” một đoạn sông Cà Lồ chảy qua địa phận phường Tiền Châu, TP Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), anh H.V.P (phường Tiền Châu) bức xúc: “Không hiểu sao người ta xây vượt cả hành lang sông, ra tới tận lòng sông, cứ tình trạng này chẳng mấy chốc dòng sông này chỉ còn là cái mương nước”.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, dưới lòng sông Cà Lồ giăng kín các loại lưới để ngăn thành lồng nuôi thủy sản, phía bờ sông là những chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm mọc lên như nấm.

Nhiều chuồng trại làm trên bờ nhưng vươn ra giữa lòng sông. Nước thải từ quá trình nuôi gia súc, gia cầm đổ thẳng xuống lòng sông vốn là nơi cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt của người dân nhiều huyện của tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội.

Lạ lùng, tại đây còn mọc lên nhiều công trình kiên cố lấn chiếm hành lang bảo vệ đê và lấn ra tới tận lòng sông. Chỉ một đoạn sông dài khoảng 7km chảy qua địa bàn phường Tiền Châu đã có hàng chục công trình xây dựng trái phép.

Có những ngôi nhà kiên cố xây ngoài đê, dùng cọc bê tông đóng thẳng xuống lòng sông. Đặc biệt, có cả khu biệt phủ rộng cả hecta với tường bao kín mít, bên trong là những ngôi nhà kiên cố; vườn cây, nhà hàng… nằm hoàn toàn ngoài đê và lấn chiếm 1/3 lòng sông Cà Lồ.

Sông Cà Lồ (hay còn gọi là sông Phủ Lỗ) là một nhánh của sông Cầu và là một phân lưu của sông Hồng. Sông có tổng có chiều dài 86km chảy qua địa bàn các huyện Yên Lạc, Bình Xuyên, TP Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và Mê Linh, Sóc Sơn (Hà Nội) rồi đổ ra sông Cầu tại ngã ba Xá, xã Tam Giang, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh).

Sông Cà Lồ lâu nay là nguồn cung cấp nước tưới, tiêu cho hàng nghìn hecta đất sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tiêu, thoát lũ trong mùa mưa bão. Tuy vậy, dòng sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, kết quả quan trắc cuối năm 2020 của Sở cho thấy, chất lượng nước trên lưu vực sông Cà Lồ có 3 thông số vượt quy chuẩn, đó là: Phosphat (PO43-), Nitrit (NO-2), Amoni (NH4+). Trong đó, có 6/9 vị trí có thông số NO-2 vượt quy chuẩn cho phép; 5/9 vị trí có thông số Amoni vượt quy chuẩn cho phép; thông số PO43- vượt quy chuẩn cho phép 3,47 lần tại vị trí NM2 ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên.

Không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng mà hình hài của dòng sông còn đang bị biến dạng do người dân lấn chiếm xây dựng công trình, chuồng trại chăn nuôi…

Điểm nóng trật tự xây dựng

Những căn nhà đua ra lòng sông Cà Lồ

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đăng Hồng, Chủ tịch UBND phường Tiền Châu thừa nhận có tình trạng vi phạm lấn sông Cà Lồ trong thời gian dài và nhức nhối.

Theo ông Hồng, tỉnh cũng đã có chỉ đạo chung giải quyết những trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng trái phép ven và dưới sông Cà Lồ. Đồng thời, phường Tiền Châu đã lập hồ sơ, lập danh sách đối với các trường hợp vi phạm xác định thời điểm; cán bộ địa chính, trật tự đô thị đang tiến hành rà soát các trường hợp này.

Ông Hồng thừa nhận, phường Tiền Châu là “địa phương điển hình” về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Không cho biết cụ thể có bao nhiêu trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép “bức tử” sông Cà Lồ nhưng ông Hồng cho biết: Tổng số vi phạm trật tự xây dựng tại phường là 578 trường hợp, bao gồm cả vi phạm việc lấn sông Cà Lồ.

Mặt trước khu biệt phủ rộng nhiều hecta xây trái phép lấn chiếm sông Cà Lồ

Nói về biệt thự siêu khủng lấn sông Cà Lồ, ông Hồng cho hay: Công trình vi phạm này là của hộ gia đình ông Thọ ở Tổ dân phố Tiên Thịnh. Ông Thọ ở phường Trưng Nhị, mua đất nông nghiệp tại đây sử dụng sai mục đích, trong quá trình xây dựng thì lấn chiếm sông từ năm 2019. Hiện phường đã lập hồ sơ, báo cáo UBND TP Phúc Yên xử lý.

“Để xây dựng những công trình “bức tử” sông Cà Lồ với quy mô lớn phải có thời gian dài thi công. Hiện tượng người dân tràn lan xây dựng ngoài đê, lấn chiếm cả lòng sông Cà Lồ có trách nhiệm không nhỏ của chính quyền địa phương, người dân mong vi phạm phải được xử lý triệt để và những người liên quan phải chịu trách nhiệm”, anh H.V.P đề xuất.

Theo Chủ tịch UBND phường Tiền Châu Nguyễn Đăng Hồng, tình trạng vi phạm xây dựng trái phép, lấn chiếm sông Cà Lồ là điểm nóng của địa phương. Vừa qua, địa phương đã buộc tháo dỡ một ngôi nhà 2 tầng ngay sông, hai vợ chồng phản ứng quyết liệt nằm cả lên gàu máy múc. “Phá ngôi nhà này rất xót xa vì anh em, người dân không phát hiện kịp thời, không dám tố giác”, ông Hồng nói.
Điều đáng ngạc nhiên là ngôi nhà 2 tầng vừa bị phá lại chính ở tổ dân phố ông Hồng đang ở.

Việt Hòa – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Người dân chặn cả lòng sông, đổ vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng sông Cà Lồ

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/hang-loat-cong-trinh-khong-phep-buc-tu-song-ca-lo-d506468.html