‘Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông. Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng’, từ từ, đã bị biến thành bể chứa nước thải và rác khổng lồ trong hàng chục năm qua…
Doanh nghiệp “nhờn luật”!
Suối Dộp là một dòng suối lớn chảy qua địa bàn 3 xã Thái Bình, Trí Bình, Hảo Đước thuộc huyện Châu Thành (Tây Ninh) trước khi hòa vào dòng sông Vàm Cỏ Đông (VCĐ). Đây là một trong nhiều con suối thường xuyên bị ô nhiễm bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy mì tại địa phương.
Để qua mắt lực lượng chức năng, theo người dân, doanh nghiệp mì thường chọn thời điểm đêm tối, lợi dụng những lúc trời mưa để “tẩu tán” nước thải. Mặc dù có doanh nghiệp bị xử lý nhiều lần, nhưng hàng chục năm qua, tình hình này vẫn tái diễn.
Năm 2001, nhà máy tinh bột sắn Hữu Đức xây dựng và được đưa vào hoạt động. Kể từ đây, nước trong dòng suối Dộp bỗng dưng chuyển màu. Thực địa tại hiện trường, qua quan sát, mặc dù nhà máy này có trang bị đầy đủ hệ thống xử lý nước thải với những hầm biogas được phủ bạt HDPE to như qua đồi nằm hiện hữu cạnh nhà máy, thế nhưng, bên hông nhà máy có một cống xả nước ra con mương và chảy trực tiếp vào suối Dộp. Theo người dân địa phương, đến hẹn lại lên, vào đầu mùa mưa rơi vào tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, dòng suối Dộp biến đổi ô nhiễm nghiêm trọng.
Dẫn chúng tôi đi xem đoạn suối bị ô nhiễm ngay sát vách vườn cây của gia đình, ông N.V.S ngụ ấp Suối Dộp, xã Thái Bình không khỏi bức xúc cho biết, gia đình ông đến đây lập nghiệp từ năm 1976, với hơn 1 ha đất, trước kia ông canh tác từ lúa đến các loại cây ăn quả, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Từ ngày nhà máy mì mọc lên, nước suối luôn trong tình trạng ô nhiễm, năng suất cây trồng giảm rõ rệt, ông phải chuyển sang trồng tầm vông và tràm để lấy gỗ, nhưng hiện nay một số cây tràm cũng không thể trụ nổi.
Chỉ tay vào đoạn suối đen nhánh vì ô nhiễm, ông S cho biết thêm, từ cuối tháng 3/2021 nước suối lại chuyển màu đen, cá ở đây không thể sống nổi, thậm người ta nuôi cá ngoài sông cách khu vực này hơn 3 km cũng bị ảnh hưởng. Người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, thế nhưng đâu cũng vào đấy.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND xã Trí Bình cũng bức xúc cho biết thêm, thực trạng ô nhiễm tại suối Dộp đã xảy ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên, do nhà máy đặt tại xã Thái Bình, đồng thời thẩm quyền đối với cấp xã cũng không đủ xử lý.
“Tỉnh, huyện cũng đã nhiều lần xử phạt doanh nghiệp mì xả thải vào suối Dộp, có thời điểm mức phạt lên đến gần 200 triệu đồng, nhưng có lẽ mức phạt quá hời so với lợi nhuận nên doanh nghiệp “nhờn luật”, vị này nói.
Gánh nặng nước thải sinh hoạt
Không chỉ có thực trạng xả thải lén lút từ các hoạt động sản xuất kinh doanh từ các nhà máy, theo tìm hiểu của chúng tôi, dòng sông VCĐ còn đang phải gánh chịu một lượng lớn nước và chất thải chưa qua xử lý từ các khu dân cư, chưa kể nước từ các trung tâm y tế và trung tâm thương mại, chợ… Theo đó, hiện tổng lưu lượng nước thải con sông này tiếp nhận lên đến 100.000 m3/ngày, đêm.
Đơn cử tại kênh Gò Kén thuộc xã Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành, kênh này trực tiếp tiếp nhận nước thải từ các khu dân cư đông đúc của cả thành phố Tây Ninh và thị xã Hòa Thành, cùng khu chợ Long Hoa, một trong những ngôi chợ sầm uất bậc nhất tỉnh Tây Ninh.
Vừa đến kênh Gò Kén, chúng tôi đã ngửi thấy một mùi tanh nồng, khu vực tiếp nguồn xả thải, nước một mầu đen đặc. Hai bên bờ, những đống rác hình thành từ đủ các loại rác thải sinh hoạt như giấy vụn, bịch nilon, xút, nhựa,… bốc mùi hôi thối nồng nặc đang bịt kín bề mặt kênh. Ði trên kênh nhưng lại phải mang khẩu trang là thực trạng hàng trăm người dân nơi đây phải sống chung từ nhiều năm qua.
Anh T.V.T, một người dân hành nghề đánh cá nơi đây chia sẻ, “mỗi lần chèo thuyền qua con kênh này tôi luôn bị ám ảnh bởi những đống rác to tướng chặn dòng chảy, nhiều lúc phải nhảy xuống thuyền, chật vật dời rác thì mới có thể đi được. Khi về đến nhà là hai chân sưng tấy do tiếp xúc với nước bẩn, phải uống thuốc hai đến ba ngày sau mới khỏi. “Trong lúc các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để cứu dòng kênh, thì tôi cũng như hàng trăm người dân nơi đây vẫn đang trần lưng chung sống với ô nhiễm và loay hoay tìm lối ra”, anh T rầu rĩ nói.
Bí thư Tây Ninh chỉ đạo “nóng”
Tại kỳ họp 17 HĐND tỉnh Tây Ninh khóa IX, nhiệm kỳ 2016- 2021 vừa qua, vấn đề ô nhiễm sông VCĐ đã được đưa ra nghị trường.
Trả lời chất vấn về tình trạng này, lãnh đạo Sở TN&MT Tây Ninh cho rằng có nhiều lý do khách quan: Sông VCĐ đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, lưu lượng dòng chảy của các sông, suối xuống thấp, khiến lục bình trên sông phát triển dày đặc, phủ kín mặt sông. Đại diện Sở này còn cho biết thêm, hiện nay có 17 nguồn thải vào sông VCĐ, trong đó có 12 nhà máy sản xuất mì, mía, cao su, 2 khu cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và còn lại là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ…
Trước thực trạng trên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm chỉ đạo “nóng” trong thời gian tới, Giám đốc Sở TN&MT phải phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc xử lý ô nhiễm sông VCĐ, trong đó, tập trung các giải pháp: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng sớm có kết luận chính thức về nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông VCĐ và công bố, công khai cho người dân biết.
Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi chất lượng nguồn nước sông; tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ các nguồn xả thải, nhất là đối với hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở xả nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường, xem xét đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh không chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt, tiếp tục tái phạm.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cũng chỉ đạo phải công khai kết quả xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm để cử tri biết và cùng giám sát; cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.
Ngoài ra, Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân biện pháp, kỹ thuật nuôi cá, cứu cá khi gặp sự cố; lấy mẫu, phân tích cá chết để đánh giá nguyên nhân đối với các trường hợp nghi ngờ do ô nhiễm nguồn nước…
Theo Nông Nghiệp
Ảnh: Dòng suối Dộp ô nhiễm khiến người dân quanh nhà máy tinh bột sắn Hữu Đức trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. Ảnh: Trần Trung.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://nongnghiep.vn/ky-2-be-chua-nuoc-thai-va-rac-khong-lo-d290106.html