Các nhà thầu xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ thua lỗ bởi giá vật tư liên tục leo thang. Tại Cà Mau, nhà thầu cố xoay xở trong bế tắc với các công trình đã ký kết, vì càng làm thì càng lỗ…
Các nhà thầu xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ thua lỗ bởi giá vật tư liên tục leo thang. Tại Cà Mau, nhà thầu cố xoay xở trong bế tắc với các công trình đã ký kết, vì càng làm thì càng lỗ…
Muôn sự đổ đầu thầu…
Hơn tháng qua, ông Trương Bùi Hữu Nghĩa-một nhà thầu xây dựng dân dụng ở phường 9 (TP. Cà Mau) chạy đôn chạy đáu tìm gặp các đối tác để năn nỉ, xin được thương thảo lại sáu hợp đồng đã ký kết hồi đầu năm 2021. Thời điểm ký hợp đồng xây thô trọn gói, mức giá ông Nghĩa “chốt” chỉ 3,6 triệu đồng/m2 nhưng giá sắt-thép chỉ khoảng 14.000đ/kg. Nhưng hiện tại, giá thép lên gần 20.000đ/kg, các vật tư khác như cát, đá, gạch, xi măng, tôn… cũng đồng loạt tăng theo từ 20-25%.
Giá vật tư tăng từ 3-5%, tôi còn cắn răng làm để giữ uy tín chứ tăng chóng mặt như hiện nay đã vượt quá giới hạn chịu đựng của nhà thầu. Nếu thương thảo không thành công, tôi chấp nhận bồi thường hợp đồng, ông Nghĩa thú thiệt và cho biết, mức giá xây thô hiện đã hơn 4 triệu đồng/m2 nhưng nhiều nhà thầu như ông vẫn không dám chốt hợp đồng, trừ khi có thêm điều kiện phải linh động kê lại giá theo chuyển biến của thị trường.
Tình cảnh của các nhà thầu đang thực hiện công trình có vốn nhà nước cũng bi đát tương tự. Trong kinh doanh, họ biết rõ việc phải chấp nhận rủi ro từ biến động giá của thị trường. Tuy nhiên, với đà tăng “phi mã” của hàng loạt vật tư như hiện nay, nhà thầu khó lòng cầm cự. “Vật tư đầu vào chiếm khoảng 60% giá thành công trình. Nếu giá cả vật tư ổn định, nhà thầu tận dụng tốt máy móc, thiết bị của công ty và chủ đầu tư thanh toán đúng hạn…, thì công trình còn lãi từ 3-5%. Ngược lại, nếu giá vật tư tăng quá cao mà không được điều chỉnh giá, bắt buộc phải triển khai theo tiến độ thì nhà thầu chỉ có nước bán nhà trả nợ”, một chủ thầu xây dựng ở phường 1, TP. Cà Mau chia sẻ.
Khảo sát trên thị trường nội tỉnh, mặt bằng chung giá các loại vật tư hiện nay tăng khoảng 25% so với thời điểm đầu năm 2021. Trong đó, tăng cao nhất là sắt-thép, chiếm khoảng 20% tỷ trọng xây dựng nhưng hiện tăng từ 40-45%. Việc tăng giá như vậy kéo theo hàng loạt hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện công trình, dự án đầu tư công tại địa phương. Bởi lẽ, phần lớn các công trình sử dụng vốn nhà nước có cam kết về tiến độ, bị ràng buộc bởi các điều khoản hợp đồng về giá. Trong trường hợp đó, doanh nghiệp một là “cắn răng” chịu lỗ để “chạy” tiếp nhằm giữ uy tín cho các lần đấu thầu tiếp theo, hoặc là tạm ngưng, chịu bị phạt nặng, thậm chí bị cấm đấu thầu, kéo nhau ra tòa…
Chia sẻ khó khăn chung với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Toản, Chủ tịch UBND huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) cho biết, tình hình trượt giá đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án tại địa phương. “Nhà thầu đã đấu thầu và có kết quả giao thầu rồi nhưng khi triển khai thì giá vật tư thực tế tăng vài chục phần trăm so với giá dự toán ban đầu, nguy cơ vỡ trận là rất cao. Trong tình huống này, nếu không vi phạm các quy định trong đầu tư công, tỉnh nên xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để sớm triển khai các dự án tại địa phương” – ông Toản kiến nghị.
Một công trình xây dựng cơ bản ở xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) trầy trật vì giá vật tư tăng cao.
Báo giá chưa sát giá…?
Giá vật tư tăng cao không chỉ làm điều đứng các nhà thầu có hợp đồng trọn gói mà còn ảnh hưởng đến các hợp đồng có đơn giá linh hoạt. Tại Cà Mau, các dự án đầu tư vốn ngân sách thường được áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của Sở Xây dựng. Trong đó, không ít công trình vốn lớn, dù điều khoản hợp đồng được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, nhưng đơn giá cập nhật từ cơ quan chức năng trong thời gian gần đây chưa theo kịp và lệch xa so với biến động thực tế.
Điển hình là đến thời điểm đầu tháng 5-2021, Sở xây dựng Cà Mau mới ban hành báo giá các loại vật tư của tháng 2-2021. Cập nhật chậm trễ trên khiến báo giá “tham chiếu” của Nhà nước bị lệch xa so với giá thị trường. Lần giở từng trang báo giá trong tháng 2-2021 được cung cấp từ Sở Xây dựng Cà Mau, nhiều nhà thầu so sánh: Cát vàng xây dựng từ 170.000-200.000 đồng/m3 nhưng giá thực tế đầu tháng 5 từ 370.000-400.000 đồng/m3 đối với cát xây-tô, và từ 600.000-800.000 đồng/m3 đối với cát đổ bê tông (từ 1.4 – 2.0 chấm); sắt-thép từ 12.500-13.000 đồng/kg nay tăng lên hơn 20.000 đồng/kg; nhân công (từ bậc 3 đến bậc 5/7) được tính từ hơn 170.000-hơn 237.000 đồng/ngày (làm tròn số) nhưng giá thực tế nhà thầu thuê và trả hiện nay từ 310.000-490.000 đồng/ngày; Đá loại 1x2cm và 4x6cm lần lượt là 400.000 và 405.000 đồng/khối nhưng thực tế hiện từ 510.000-520.000 đồng/khối…
Bà Nguyễn Thị Cẩm, Giám đốc Cty TNHH MTV Thành Đạt (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), ngao ngán: Không những cập nhật báo giá trễ mà trong báo giá của Sở xây dựng Cà Mau cũng không cập nhật chi tiết các loại vật tư. Thí dụ như báo giá của sở chỉ ghi là cát vàng xây dựng, nhưng trên thực tế có rất nhiều loại cát, gồm cát san lấp, cát xây-tô, cát đổ bê tông. Cát có chấm càng cao thì giá thành càng lớn. Tương tự, báo giá của sở chỉ có hai loại đá nhưng các tỉnh lân cận như Kiên Giang, Sóc Trăng…báo tới 5-6 loại đá, như: Đá 1x2cm, 4x6cm, đá 04 loại 1, 04 loại 2, đá mi thường, đá mi sàn, đá 1.1cm, đá bụi…
Theo phản ảnh của nhiều nhà thầu ở Cà Mau, trên địa bàn một số huyện ở Cà Mau xuất hiện tình trạng doanh nghiệp cung cấp giá một đằng, nhưng bán giá một nẻo hoặc giao khối lượng thiếu. Một nhà thầu xin giấu tên tiết lộ: “Cửa hàng vật tư ở huyện cung cấp báo giá cát thấp hơn mặt bằng chung tại trung tâm TP Cà Mau. Chúng tôi đến mua số lượng lớn thì họ giao khối thiếu, chỉ được khoảng 70-80%. Muốn mua khối đủ thì phải đàm phán lại giá. Trong trường hợp này, cần có chế tài với doanh nghiệp”.
Không chỉ vật tư mà gần đây, giá xăng dầu cũng đang nhích lên từng ngày. Nếu như trong năm 2020, giá dầu, xăng chỉ từ 10.000-16.000 đồng/lít thì hiện nay, giá dầu đã cán mốc gần 15.000 đồng/lít, trong khi giá xăng (tùy loại) vào khoảng 19.000 đồng/lít. Nhiên liệu tăng kéo theo giá tăng đối với nhân công, ca máy và vận chuyển. Tuy nhiên, nhân công và ca máy hiện nay ở Cà Mau vẫn chưa có cập nhật và điều chỉnh mới.
Ông Giáp Văn Nhất, một chủ thầu có công trình xây dựng ở xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), cho biết: Tình hình giá tăng hiện nay đẩy các nhà thầu vào cảnh khó khăn. Đặc biệt, với các công trình nhận thầu trọn gói, chủ đầu tư đã không đưa 10% chi phí dự phòng (hỗ trợ trượt giá, phát sinh khối lượng) vào trong hợp đồng. Vì thế, khi phát sinh trượt giá sẽ không có khoản nào bù đắp thiệt hại. “Trong trường hợp này, nếu không thương thảo được hợp đồng thì nhà thầu như tôi chỉ có nước phá sản”, ông Nhất chia sẻ.
Cần chia sẻ giữa các bên
Trước những biến động lớn về giá vật tư, cuối tháng 4 vừa qua, hơn 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở Cà Mau đồng loạt ký đơn cầu cứu tập thể gửi đến UBND tỉnh và các ngành chức năng có liên quan.
Trong đơn, các doanh nghiệp cho biết, giá của một số mặt hàng vật tư tăng cao và đang rất khan hiếm như sắt thép, cát đen san lấp, cát vàng xây dựng, đá… Nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế thi công của doanh nghiệp đã khiến cho một số công trình của nhà thầu bị ngưng trệ, chậm tiến độ. Từ đó, nhà thầu rơi vào hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bị phá sản vì thua lỗ.
Trước tình cảnh nêu trên, các nhà thầu xây dựng ở Cà Mau mong muốn UBND tỉnh Cà Mau sớm xem xét, có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan: Điều chỉnh lại giá cả một số mặt hàng vật tư phục vụ trong xây dựng sao cho kịp thời và sát với giá thị trường; điều chỉnh lại giá nhân công cho phù hợp với thực tế hiện nay; báo giá thêm vật liệu cát vàng xây dựng đủ tiêu chuẩn theo thiết kế; bổ sung thêm báo giá đá cấp phối 0 x 4 loại 1, loại 2, đá 1.1cm và đá mi sàng đạt chuẩn và thí nghiệm đạt các tiêu chí theo quy định của Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau nghiên cứu, xem xét thu thập thông tin báo giá của các doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn và các đơn vị cung cấp giá cho cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm trước báo giá của mình.
Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, đề xuất: Trước tình hình biến động giá vật tư hiện nay, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần sớm có giải pháp bình ổn giá, có chính sách riêng trong việc điều chỉnh hợp đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi “găm hàng” (nếu có).
Để tháo gỡ khó khăn trên, đối với các dự án, công trình đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, trước khi tìm ra nguyên nhân nhằm hạ nhiệt tăng giá để có biện pháp can thiệp hữu hiệu, các nhà thầu tại địa phương kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau có ý kiến trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ: Sớm có chủ trương điều chỉnh giá vật liệu cho những hợp đồng trọn gói và đơn giá cố định; điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận thanh toán đơn giá cho nhà thầu theo đơn giá thị trường.
Song hành với đó, các đơn giá cập nhật từ phía cơ quan chức năng như Sở Xây dựng cần kịp thời, sát với thực tế. Cần có biện pháp khuyến cáo, kêu gọi các chủ đầu tư xem xét, chia sẻ với nhà thầu. Ở góc độ luật pháp thì chủ đầu tư không sai nhưng vì trách nhiệm xã hội chung, trách nhiệm cộng đồng, các chủ đầu tư có thể san sẻ, hỗ trợ nhà thầu trong phạm vi pháp luật cho phép, chẳng hạn như kéo dài thời gian hoàn thành công trình theo hợp đồng nhưng không xử phạt.
Đầu tư xây dựng công trình là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Do đó, một khi yếu tố xây dựng cơ bản bị hạn chế ở một khâu nào đó nó sẽ làm cho nền kinh tế bị thụt lùi, trong đó có giá vật liệu xây dựng tăng bất thường trong thời gian gần đây dẫn đến hệ lụy là nhiều nhà thầu thi công chậm trễ thời gian trong hợp đồng, khiến chủ đầu tư không giải ngân đạt kế hoạch. Vì vậy, các ngành chức năng nên nhanh chóng đưa ra giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ kịp thời Ông Lâm Minh Thời, Giám đốc Ban QLDA các công trình NN-PTNT tỉnh Cà Mau. |
Đầu tư xây dựng công trình là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Do đó, một khi yếu tố xây dựng cơ bản bị hạn chế ở một khâu nào đó nó sẽ làm cho nền kinh tế bị thụt lùi, trong đó có giá vật liệu xây dựng tăng bất thường trong thời gian gần đây dẫn đến hệ lụy là nhiều nhà thầu thi công chậm trễ thời gian trong hợp đồng, khiến chủ đầu tư không giải ngân đạt kế hoạch. Vì vậy, các ngành chức năng nên nhanh chóng đưa ra giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ kịp thời Ông Lâm Minh Thời, Giám đốc Ban QLDA các công trình NN-PTNT tỉnh Cà Mau. |
Theo Nhân Dân
Ảnh: Sắt-thép chiếm tỷ trọng lớn trong xây dựng nhưng hiện tại giá tăng khoảng 5.000/kg so với đầu năm 2021.
Xem bài viết gốc tại đây: