Tình trạng sụt lún, sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn rất trầm trọng. Mặc dù các cảnh báo liên tục được phát ra, nhưng đáng tiếc nhiều địa phương vẫn cấp phép khai thác cát tràn lan – một trong những nguyên nhân gây họa cho vùng này.
Tiền như “muối bỏ bể”
Khảo sát của cơ quan chức năng, ĐBSCL sụt lún với tốc 5,7cm/năm, cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối (35mm/năm). Có tới gần 700 điểm sụt lún, tăng gấp 7 lần so với những năm trước đây. Mỗi năm mất đi ít nhất từ 500 – 550ha đất, 20.000 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Các địa phương trong vùng mỗi năm chi ra hàng ngàn tỉ đồng để khắc phục nhưng cũng như “muối bỏ bể”.
Theo Bộ NNPTNN, hiện toàn vùng cần tới 41.000 tỉ đồng để gia cố các tuyến đê biển và chống sạt lở, giai đoạn 2021-2025. Với riêng tỉnh Đồng Tháp, năm 2020 đã phải xin Trung ương hỗ trợ cấp bách gần 1.000 tỉ đồng để xử lý sạt lở và di dời dân.
Theo giới chuyên gia, tình trạng sạt lở ở các tỉnh ĐBSCL chủ yếu do hai nguyên nhân. Một là sự thiếu hụt nghiêm trọng lượng bùn cát từ sông Mê Kông do phía thượng nguồn xây dựng nhiều công trình thủy điện. Ước tính, 50% lượng bùn cát từ phía sông Mê Kông đổ xuống đồng bằng giảm hơn 50% so với trước đây. Nguyên nhân thứ hai là do tác động của con người, đặc biệt là tình trạng khai thác cát quá mức, tràn lan trên các con sông.
Thế nhưng, tại nhiều địa phương thuộc ĐBSCL, tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra tràn lan, bất chấp những nguy cơ đã được cảnh báo. Mới đây nhất, câu chuyện đấu giá hai mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu của chính quyền tỉnh An Giang đã gây xôn xao dư luận khi giá trúng thầu cao ngất ngưởng (hơn 2.800 tỉ đồng) là chưa từng có tiền lệ.
Cụ thể, mỏ cát trên sông Hậu tại huyện Châu Phú có giá khởi điểm 4,4 tỉ đồng đã được một doanh nghiệp tại An Giang chốt giá 273 tỉ đồng. Còn mỏ cát trên sông Tiền, huyện Chợ Mới có giá khởi điểm 7,2 tỉ đồng được chốt giá lên đến 2.811 tỉ đồng (cao gấp hơn 390 lần so với giá khởi điểm) do một doanh nghiệp tại TPHCM đứng thầu.
Sông “đói” cát những vẫn cấp phép khai thác
Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao hai mỏ đã được chính quyền địa phương ước tính trữ lượng cụ thể, tại sao lại có mức giá trúng thầu cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Bên cạnh đó là nỗi lo mất nhà, mất đất của người dân xung quanh khu vực hai mỏ cát.
Chưa bàn đến việc vụ hai mỏ cát có giá trúng thầu “trên trời” sẽ đi đến đâu, nhưng từ đây có thể thấy việc một số địa phương trong vùng vẫn cấp phép khai thác cát tràn lan có thể đẩy cả vùng châu thổ vào chỗ khốn cùng.
Khu vực ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nếu mỗi địa phương đều cho phép khai thác cát trên địa bàn (dù rằng có đảm bảo đúng quy trình, đúng pháp luật) cũng đều có thể khiến tiến trình sụp đổ của cả vùng diễn ra nhanh hơn. Sạt lở không chỉ diễn ra cục bộ mà có thể lan rộng ra toàn vùng. Tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại ĐBSCL thời gian gần đây cho thấy, các địa phương mới chỉ xử lí phần ngọn, “lở đâu vá đấy” chứ chưa có biện pháp xử lí đồng loạt, hiệu quả.
ĐBCSL được bồi đắp chủ yếu bởi hệ thống sông Mê Kông, do đó nền đất yếu. Giới chuyên gia cho rằng khai thác cát không chỉ có tác động đến chính địa phương đó mà còn tác động đến cả vùng, gây tình trạng sụp đổ dây chuyền và cộng hưởng mang tính chất xuyên vùng.
Vì vậy, cần nhìn nhận đúng đắn và kĩ lưỡng hơn về tình trạng sạt lở tại ĐBSCL, việc khai thác cát cũng cần lên một kế hoạch chiến lược dài hạn, xem xét trên hệ quy chiếu của toàn vùng chứ không chỉ riêng một địa phương.
Việc này không đợi đến lúc Chính phủ “ra tay” mà trước hết và quan trọng nhất chính quyền các địa phương phải nhận thức sâu sắc nguy cơ. Nếu chỉ vì chút lợi trước mắt (cụ thể là việc cấp phép khai thác cát tràn lan) thì di họa là rất lâu dài.
Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu ĐBSCL, chúng ta đang đứng ở ngã ba đường. Thay vì đầu tư cho con đường mới, quán tính tư duy cũ là muốn đầu tư dặm vá con đường cũ để tiếp tục đi theo con đường đó. Trong trường hợp của ĐBSCL bài toán là làm sao tiếp tục khai thác nước ngầm mà không bị sụt lún để không bị chìm dưới mực nước biển. Nếu không có giải pháp thì “chính ta đang tự trói ta”.
Theo Đại Đoàn Kết
Ảnh: Kè khẩn cấp bảo vệ đê biển Tây, đoạn từ cống Kênh Mới tới Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).
Xem bài viết gốc tại đây:
http://daidoanket.vn/dong-bang-song-cuu-long-toan-vung-truoc-nguy-co-sut-lun-560275.html