Ứng cứu nguồn nước ngầm

Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo, trữ lượng nước ngầm trên cả nước đang sụt giảm ở nhiều nơi do khai thác quá mức.

Trữ lượng nước ngầm liên tục giảm

Năm 2019, trong Báo cáo “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước an toàn, sạch và bền vững” gửi Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra một vấn đề đáng quan tâm về tình hình an ninh nguồn nước ở nước ta. Mặc dù thiếu nước nhưng hiệu quả sử dụng nước của chúng ta đem lại cho tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) còn rất thấp. Mỗi mét khối nước mới chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, chỉ bằng 1/8 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD GDP. Đến nay con số này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.

Nhiều năm nay, không chỉ thấy tình trạng nước trên mặt bị ô nhiễm trầm trọng, tình hình các nguồn nước dưới đất cũng có những biến đổi theo hướng tiêu cực. Cụ thể, “Kịch bản biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cho Việt Nam vào năm 2016” của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã về một kịch bản xấu có thể xảy ra là đến năm 2050 nước biển dâng cho toàn dải ven biển Việt Nam từ 21-25cm và đến năm 2100 từ 44-73cm.

Nói cách khác, khoảng 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng, 15% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 14% diện tích TP HCM, 20-30% diện tích các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hậu Giang, Cà Mau cuối thế kỷ này sẽ chìm trong nước biển. Như vậy, sẽ có khoảng 20 triệu người dân và hàng trăm nghìn doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Nguyên nhân được đưa ra bên cạnh hiện tượng nước dâng do bão, thủy triều ven bờ, chính là sự sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức.

Chỉ nói riêng vùng lưu vực sông Cửu Long, kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất vào tháng 3/2021 của Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho thấy diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 2 so với cùng thời điểm 1 năm trước, 5 năm trước, 10 năm trước và 20 năm trước có xu thế hạ. Mực nước suy giảm được đánh giá là lớn nhất trong hai thập kỷ qua. Thêm thông tin ĐBSCL đang chìm dần khi mỗi năm sụt lún 1cm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7 cm/năm tại một số điểm với nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm quá mức.

Chưa kể, hệ thống nước ngầm ở những vùng ven biển còn có thể gặp phải hiện tượng xâm nhập mặn, thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của triều cường, nước biển dâng hoặc bởi các tác động khác của con người. Hiện tượng này là nguyên nhân chính khiến nguồn nước ngọt dưới đất ở vùng ĐBSCL sụt giảm mạnh trong nhiều năm nay.

Nhiều phương pháp “ứng cứu”

Trước thực trạng nguồn nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có động thái quyết liệt để hạn chế khai thác, bảo vệ nguồn nước quý giá dưới lòng đất.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, để giải quyết thực trạng sụt giảm nước ngầm đáng báo động ở ĐBSCL, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc khai thác nước ngầm. Đặc biệt, các tỉnh, thành cần phối hợp để tính toán, quy hoạch cấp nước phù hợp, đồng thời áp dụng các quy định pháp luật chặt chẽ, triệt để nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm ĐBSCL.

Đáng nói, năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Kể từ năm 2018, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch giảm lượng khai thác nước ngầm xuống, từ hơn 700 nghìn mét khối/ngày đêm còn 100 nghìn mét khối/ngày đêm vào năm 2025.

Cùng năm, UBND thành phố Đà Nẵng cũng ban hành quy định điều chỉnh các hoạt động về quản lý, bảo vệ, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất, phòng, chống nhằm khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn. Thành phố tiến đến siết chặt, hạn chế cấp phép khai thác nước dưới đất sau năm 2021; khi Sở TN&MT hoàn thành việc khoanh định, công bố “Danh mục, Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất” và lập phương án tổ chức thực hiện.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt những nội dung điều chỉnh “Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó nhấn mạnh điều chỉnh quy hoạch sử dụng nguồn nước cấp cho Thủ đô theo hướng ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn nước mặt, hạn chế khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm; từng bước giảm dần khai thác nguồn nước ngầm, nguồn nước ngầm không khai thác sẽ chuyển thành nguồn nước dự phòng.

Trong tháng 3/2021, UBND các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Hồng khác như Bắc Ninh, Ninh Bình,… cũng đã ban hành văn bản yêu cầu kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc quản lý, khai thác tài nguyên nước dưới đất trên toàn địa bàn.

Tại khu vực miền Trung Việt Nam bao gồm dải ven biển Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế – Quảng Trị, bên cạnh siết chặt hoạt động khai thác nguồn nước ngầm, UBND các tỉnh còn khuyến khích các đề tài nghiên cứu và các giải pháp khoa học công nghệ nhằm hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nguồn nước dưới đất.

Các tỉnh này hướng tới xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá xâm nhập mặn và tính dễ bị tổn thương của các tầng chứa nước ven biển do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng”; “Cơ sở dữ liệu GIS về mức độ tổn thương của các tầng chứa nước” phục vụ cảnh báo nguy cơ nhiễm mặn nước dưới đất.

Những động thái quyết liệt trên cho thấy quyết tâm của ngành TN&MT nước ta trong các nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước ngầm.

Đỗ Trang – Báo PLVN

Theo Pháp Luật VN

Ảnh: Khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baophapluat.vn/dan-sinh/ung-cuu-nguon-nuoc-ngam-585740.html