Ô tô đè nát đá ‘vĩnh cửu’ vỉa hè: Hà Nội có buông lỏng quản lý?

Hàng loạt vỉa hè ở các tuyến phố lớn của Hà Nội mới lát đá ‘vĩnh cửu’ xong đã bị ô tô đè vỡ nát khiến nhiều người bức xúc, đặt ra câu hỏi có hay không buông lỏng quản lý của các cơ quan liên quan.

Để chỉnh trang, cải tạo hè phố, từ 2010 đến nay, Hà Nội đã có 3 lần đại tu vỉa hè. Năm 2011, nền gạch đỏ trên vỉa hè tại các quận trung tâm được thay thế bằng gạch block tự chèn với các loại gạch terrazzo, lục giác. Giai đoạn 2013 – 2014, vỉa hè được giao cho các quận chuyển sang lát gạch giả đá, riêng bó vỉa hè là đá xanh tự nhiên. (Ảnh: Ô tô chiếm dụng vỉa hè mới lát đá “vĩnh cửu” để đậu đỗ trên phố Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân).

Đến cuối 2016 – đầu 2017, TP. Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố, theo sở Xây dựng Hà Nội, mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm với kinh phí dự kiến lên đến hàng nghìn tỉ đồng. (Ảnh: Vỉa hè tại phố Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân).

Việc lát đá vỉa hè ở Thủ đô Hà Nội từ lâu nay luôn đề tài gây tranh cãi. Đặc biệt, nhiều người luôn nghi ngờ về kế hoạch đại tu này có thực sự làm tốt như mong đợi hay lại gây ra tốn kém, lãng phí. (Ảnh: Lớp đá mới lát ở phố Lê Trọng Tấn vỡ nát).

Theo các chuyên gia, việc làm này vừa tốn kém, lãng phí của công và còn khiến Hà Nội ngập nặng hơn vì không thoát được nước. (Ảnh: Vỉa hè phố Lê Trọng Tấn (phường Phương Mai, quận Thanh Xuân) mới lát đá “vĩnh cửu” xuất hiện tình trạng xuống cấp, bung, sụt lún, vỡ nát khiến nhiều người dân bức xúc).

Tại số 3 đường Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội), ô tô chiếm dụng cả lòng đường, vỉa hè để đậu đỗ.

Vỉa hè bị lấn chiếm, đẩy người dân tràn xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cư gây mất trật tự an toàn giao thông,…

…ngoài ra, việc các phương tiện cỡ lớn như ô tô lấn chiếm khiến vỉa hè mới được làm đã bị lún, vỡ nát…

Có đoạn, vỉa hè bị quây làm nơi tập kết, trung chuyển xe rác…

…làm vỉa hè vừa hư hỏng lại bốc mùi xú uế gây mất mỹ quan đô thị tại tuyến phố một thời là kiểu mẫu ở Thủ đô Hà Nội.

Tại phố Phùng Hưng (phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội), ô tô đậu đỗ tràn lan từ vỉa hè xuống tới lòng phố.

Thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại hàng loạt các tuyến phố ở Hà Nội đã kéo dài nhiều năm nay, ngày càng gia tăng, có diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến giao thông, mỹ quan đô thị. (Ảnh: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè và đậu đỗ sai quy định dưới lòng phố kéo dài với mật độ dày, kéo dài hết cả con phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm).

Nhớ lại hồi tháng 3/2017, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đức Chung có bài phát biểu dậy sóng khi thẳng thắn nêu rõ hiện tượng “bảo kê” đứng sau quán bia vỉa hè, người nhà cán bộ đứng sau bãi giữ xe. (Ảnh: Ô tô đậu đỗ tràn lan trên vỉa hè tại phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm).

Thế nhưng sau hơn 3 năm thực hiện, dường như nhiều lãnh đạo phường, xã “đã quên” chỉ đạo này. Các địa phương dần buông lỏng, lơ là khiến nhiều đoạn vỉa hè bị tái lấn chiếm.

Ô tô ngang nhiên leo lên vỉa hè ngay trước cửa trụ sở Công an phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nhiều ô tô chiếm dụng vỉa hè tại Bốt Hàng Đậu (trước cửa trụ sở Công an phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm vỉa hè sụt lún, vỡ nát.

Thực trạng này kéo dài từ lâu khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, các cơ quan quản lý nhà nước đang ở đâu, có buông lỏng quản lý, bao che, thỏa thuận ngầm, “bảo kê” để lấn chiếm vỉa hè trở thành câu chuyện “khổ lắm, biết rồi nói mãi” hay không? Tại sao các cơ quan có liên quan không có biện phép xử lý dứt điểm đối với tình trạng trên?

Theo Sở xây dựng Hà Nội, trách nhiệm chính trong việc thi công, vận hành vỉa hè thuộc về các quận, huyện xuống tới phường, xã. (Ảnh: Ô tô đậu đỗ kín trước cửa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (phố Lý Thái Tổ, phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Theo các chuyên gia, việc các phương tiện lấn chiếm vỉa hè để dừng đỗ tràn lan và có hoạt động kinh doanh trông giữ xe khiến đá mới lát bị hư hỏng chắc chắn có sự buông lỏng của chính quyền, lực lượng chức năng, nó cũng thể hiện những nhóm lợi ích trong đó. Quản lý vỉa hè không khó khi các cơ quan chức năng thực sự vào cuộc thường xuyên. (Ảnh: Dọc theo phố Ngô Quyền (đoạn thuộc phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội), tình trạng này cũng diễn ra phổ biến).

Văn Ngân/VOV.VN

Theo VOV.VN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/o-to-de-nat-da-vinh-cuu-via-he-ha-noi-co-buong-long-quan-ly-851316.vov