Giao Tổng cục tiếp nhận BOT xuống cấp sau dừng thu phí

Bộ GTVT giao Tổng cục đường bộ Việt Nam tiếp nhận quản lý, bảo quản, bảo trì các dự án BOT trong thời gian tạm dừng thu phí

Liên quan tới đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin tiếp nhận quản lý, bảo quản, bảo trì đường các tuyến đường BOT hư hỏng, xuống cấp sau khi dừng thu phí, Bộ GTVT vừa có chỉ đạo mới.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận quản lý, bảo quản, bảo trì tài sản công các dự án đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian tạm dừng thu phí đến khi hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu nghiên cứu kỹ quy định, quy trình của pháp luật về tiếp nhận và thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, tổ chức tiếp nhận đúng quy định pháp luật; hoàn tất thủ tục cần thiết, xây dựng phương án xử lý tài sản trình bộ phê duyệt.

Trong đó, chi phí cho công tác này thực hiện theo quy định của Nghị định số 29/2018 của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan.

Trước đó, đã có nhiều phản ánh liên quan tới thực trạng các tuyến đường BOT xuống cấp sau khi vừa hết thời gian thu phí. Điển hình như: tuyến Quốc lộ 1 tuyến tránh TP Thanh Hóa; Tuyến Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)… thực trạng này khiến dư luận rất băn khoăn.

Đây cũng là nỗi lo chung với nhiều DBQH và giới chuyên môn. ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) kiến nghị phải rà soát lại toàn bộ hợp đồng trước khi thực hiện việc tiếp nhận.

Cùng với đó, ông cũng kiến nghị các điều khoản quy định trong hợp đồng BOT cần phải cứng rắn, rõ ràng hơn. Điều kiện ràng buộc phải chặt chẽ hơn. Với những dự án hết thời gian thu phí, khi được bàn giao phải bảo đảm chất lượng, còn khai thác tốt mới tiếp nhận.

TS Nguyễn Xuân Thủy cũng đề nghị phải siết chặt các điều khoản hợp đồng, điều khoản ràng buộc để buộc nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm cao nhất. Khi rút đi phải bàn giao lại một dự án còn chất lượng tốt nhất (tối thiểu phải còn được 80% so với chất lượng ban đầu) thì mới nhận.

Đặc biệt, ông đề nghị bổ sung các biện pháp ngăn chặn, chống cho được tình trạng lợi ích nhóm chi phối dự án BOT. Ông cho rằng, lợi ích nhóm có thể tác động làm xao nhãng công tác giám sát, quản lý, theo dõi, làm méo mó các điều khoản hợp đồng… khiến dự án không bảo đảm chất lượng, nhà nước thất thu, lãng phí.

An An/Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Nhiều tuyến đường BOT xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Kinh tế đô thị

Xem bài viết gốc tại đây:

https://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/su-kien/giao-tong-cuc-tiep-nhan-bot-xuong-cap-sau-dung-thu-phi-3430696/