Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) và đền Ngọc Sơn thuộc quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, năm 2013 được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Không gian của chốn địa linh này không rộng nhưng hàng ngày phải đối diện với những toan tính và dự án của những công trình cao tầng xung quanh.
Xung quanh hồ Gươm là một hệ thống di tích lịch sử, khi nhắc tới người ta có thể nhìn thấy cả một chiều sâu văn hóa lẫn nét kiến trúc độc đáo như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, đài Nghiên, tháp Rùa, khu tưởng niệm vua Lê… Không chỉ có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, cảnh quan mà còn có giá trị tinh thần đặc biệt đối với người dân thủ đô.
Bao năm qua, các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến xung quanh khu vực di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Gươm luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và những nhà chuyên môn. Vì những tác động từ thay kiến trúc, không gian… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khu di tích quốc gia đặc biệt này.
Hà Nội ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng có những đổi mới phục vụ cuộc sống của người dân, xứng tầm thủ đô của một nước. Đó điều cần thiết. Nhưng sự phát triển đó cần đặt đúng nơi, đúng chỗ. Đặc biệt phải được nghiên cứu kỹ trên cơ sở quy định của pháp luật.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức tháng 11/1946, Bác Hồ đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Từ đó có thể hiểu, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì thế những yếu tố cấu thành văn hóa cần được bảo vệ. Mà hồ Gươm lại là trung tâm của thủ đô, nơi gìn giữ giá trị tinh thần đặc biệt của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Dẫn dắt điều đó để biết, chúng ta phải có cách ứng xử với hồ Gươm sao cho thật thận trọng. Nhất là khi hồ Gươm đang phải đối mặt với sự xuất hiện của không ít dự án, công trình ở thời điểm hiện tại và tương lai.
Thời gian qua dư luận đã đặc biệt quan tâm đến dự án xây dựng nhà ga C9 và đường ngầm tuyến đường sắt đô thị số 2 của TP Hà Nội. Bởi nếu được triển khai, dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích, vi phạm nghiêm trọng luật di sản văn hóa. Cùng với đó sẽ tạo nên áp lực giao thông cho khu vực này. Sau khi gặp phải phản ứng của dư luận và các nhà chuyên môn thì việc dự án đang được dừng lại để xem xét, lựa chọn một trong ba phương án. Đây là dự án đã nhận được sự góp ý của nhiều chuyên gia không nên bố trí nhà ga ngầm C9 ở vị trí như hiện nay.
Không chỉ dự án nhà ga C9 là mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp di tích mà một số dự án, công trình hiện tại xung quanh khu vực hồ Gươm cũng đang và sẽ tác động không nhỏ đến cảnh quan, không gian của hồ.
Có thể dễ dàng nhận thấy thời điểm hiện tại, trên trục đường Lê Thái Tổ nằm cạnh Hồ Gươm, tại địa chỉ số 22 – 32 phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, một dự án khách sạn có quy mô hàng ngàn mét vuông đang gấp rút hoàn thiện.
Đó là dự án khách sạn mang tên Four Seasons, một khách sạn 6 sao đầu tiên tại Hà Nội do Công ty Cổ phần Intimex làm chủ đầu tư. Theo giới thiệu cũng như phối cảnh của dự án thì dự án này có quy mô 5 tầng hầm, sâu 22m và 7 tầng nổi và sẽ cung cấp thêm 100 phòng khách sạn hạng sang khi đi vào hoạt động. Công ty Cổ phần Intimex Việt chính thức động thổ khởi động dự án từ ngày 17/1/2017.
Với quy mô kể trên, từ những con số đó có thể thấy khi khách sạn mang tầm 6 sao này đi vào hoạt động sẽ tạo áp lực không nhỏ cho hệ thống giao thông nơi đây, nguy cơ ùn tắc hiện hữu trước mắt. Cùng với đó chiều cao của dự án này sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan của hồ Gươm. Những khối bê tông sẽ tạo lên một bức tường vòng tròn khép kín bóp ghẹt không gian của hồ.
Nếu ai theo dõi đến những diễn biến, tác động thay đổi đối với Hồ Gươm thì chắc hẳn vẫn chưa thể quên được khi chuẩn bị triển khai dự án Trung tâm Thông tin Văn hóa hồ Gươm tại số 2 (phố Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã gặp phải sự phản đối vì ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan của di tích. Tuy nhiên công trình này vẫn được thi công và đi vào sử dụng một thời gian dài không đúng mục đích. Sau khi báo chí phản ánh, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm chấm dứt việc sử dụng diện tích nhà, đất tại số 2 phố Lê Thái Tổ để liên doanh, liên kết và thu hồi để quản lý theo quy định của pháp luật.
Dẫn chứng ra vấn đề này để thấy được có những dự án quanh hồ Gươm mặc dù đã từng gặp phải sự phản đối của dư luận vì lo ngại ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan di tích đặc biệt này nhưng vẫn được chấp thuận. Để rồi sau khi đi vào hoạt động lại không đạt hiệu quả, sử dụng sai mục đích khiến dư luận hoài nghi.
Hồ Gươm cần một không gian thoáng đãng, người dân và khách du lịch khi tới thăm di tích đặc biệt này muốn được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và chiêm ngưỡng cảnh quan. Không phải tới đây để ngắm nhìn những bức tường bê tông cao ngất ngưởng của những công trình kiến trúc đồ sộ, mới toanh không có giá trị gì về lịch sử.
Hãy ứng xử với di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Gươm và đền Ngọc Sơn một cách thận trọng!
Theo Đại Đoàn Kết
Ảnh: Dự án và những công trình nhà ở riêng lẻ đang dần vây kín hồ Gươm.
Xem bài viết gốc tại đây:
http://daidoanket.vn/ho-guom-dang-bi-bop-nghet-559116.html