Đã nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, phải sống chung với ô nhiễm môi trường do các xưởng tái chế chất thải nhựa trên địa bàn gây ra. Hằng ngày, khi các xưởng sản xuất hoạt động là mùi nhựa lại xông lên nồng nặc, tỏa khắp các ngõ ngách, len lỏi vào từng ngôi nhà. Sông thoát nước và nguồn nước ngầm trên địa bàn cũng ô nhiễm nghiêm trọng khiến cá chết, chăn nuôi, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng…
Ngày 19-3, phóng viên Báo Hànôịmới đã tới địa bàn theo phản ánh của người dân xã Phụng Thượng gửi tới Đường dây nóng. Hiện có tất cả 8 hộ tái chế phế thải và sản xuất hạt nhựa tập trung tại thôn 3. Dù không phải thời điểm các lò sản xuất hoạt động nhưng mùi khét của nhựa vẫn đặc trong không khí, xông lên nồng nặc, ngột ngạt. Nước con sông Tây Ninh đi qua xã đã chuyển màu đen sẫm, đầy rác thải, bốc mùi vô cùng khó chịu.
Dọc theo các con đường của thôn 3, nhiều đống rác thải nhựa các loại chất cao để lộ thiên. Người dân tại đây cho biết, nguyên nhân là do số lượng phế thải nhựa được các hộ sản xuất đưa về tái chế rất nhiều, các xưởng không đủ chỗ chứa nên để dự trữ nguyên liệu ngoài đường. Ngày nắng, những đống phế thải bốc mùi nồng nặc, khi mưa xuống, nước bẩn chảy tràn ra đường, gây mất vệ sinh nghiêm trọng.
Được biết, tình trạng ô nhiễm do các cơ sở tái chế nhựa này gây ra đã tồn tại gần 10 năm nay khiến người dân tại xã Phụng Thượng rất bức xúc, lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình. Bà Hoàng Thị Nở, ở thôn Tây cho biết: “Khi các hộ sản xuất hoạt động, khói và mùi phế thải nồng nặc trong không khí khiến người dân rất khổ sở. Nhiều người bị đau đầu, chóng mặt, mắc các bệnh về đường hô hấp. Ô nhiễm nguồn nước làm cá chết, sản xuất rau màu, chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng nên thu nhập của chúng tôi bị tác động nghiêm trọng. Người dân đã nhiều lần phản ánh trực tiếp cũng như có đơn kiến nghị gửi đến chính quyền xã nhưng chưa được giải quyết triệt để”.
Các xưởng tái chế không đủ chỗ chứa nên để nguyên liệu ngoài đường.
Ông Cấn Xuân Chú, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 3 cũng khẳng định việc các hộ tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường đã diễn ra từ lâu. Cử tri thôn đã nhiều lần có ý kiến với UBND xã Phụng Thượng nhưng bất cập vẫn tồn tại. Ông Cấn Xuân Chú đề nghị chính quyền xã sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm vấn đề này, tránh để bức xúc kéo dài trong nhân dân.
Theo ông Hoàng Quang Giáp, Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng, khu đất các hộ đang sản xuất gây ô nhiễm, khiếu kiện thuộc khu Vở Sải, trước đây là lò gạch cũ do UBND xã quản lý. Khoảng những năm 1992-1993, UBND xã Phụng Thượng ký hợp đồng cho 6 hộ mượn đất để kinh doanh dịch vụ. Sau đó, nơi đây được các hộ sử dụng để chứa phế liệu. Một thời gian sau, một số hộ dùng đất làm kho chứa kết hợp với giặt tải, sản xuất hạt nhựa và nghiền tải nhựa thành dạng bánh.
“Trong quá trình sản xuất, khói, mùi khét của nhựa cũng như nước thải đã gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân. UBND xã Phụng Thượng đã có kế hoạch xử lý dứt điểm các vi phạm trên trong năm 2021”, ông Hoàng Quang Giáp nói.
Môi trường sống của người dân thôn 3 xã Phụng Thượng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động tái chế rác thải nhựa.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Song, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng, người được giao trực tiếp giải quyết kiến nghị của nhân dân cũng cho biết, trong các ngày 4-3, 12-3 và 14-3-2021, theo đơn kiến nghị mới nhất của người dân, UBND xã Phụng Thượng đã phối hợp với Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Phúc Thọ tổ chức họp với cán bộ cơ sở, các hộ sản xuất, đại diện người có đơn và nhân dân trong xã để cùng trao đổi về phương án giải quyết. Trước mắt, chính quyền xã đã đình chỉ hoạt động của các xưởng tái chế nhựa để từng bước xử lý triệt để tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại thôn 3.
Rõ ràng, việc để một số hộ sản xuất gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong một thời gian dài có trách nhiệm lớn của chính quyền địa phương. Đề nghị UBND xã Phụng Thượng nhanh chóng triển khai những biện pháp nhằm xử lý dứt điểm tình trạng này, khôi phục môi trường sống trong lành cho người dân.
Theo Hà Nội Mới
Ảnh: Nhiều loại phế thải nhựa được chất thành đống trên các tuyến đường tại thôn 3 xã Phụng Thượng.
Xem bài viết gốc tại đây: