Đến nay, sau 5 tháng xảy ra vụ việc này, Công ty Cổ phần thủy điện Đắk Mi vẫn chưa thống nhất số tiền hỗ trợ cho người dân. Cơn lũ lịch sử đã cuốn trôi nhiều nhà cửa khiến họ phải đi ở ghép, không có đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Như Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã phản ánh, chiều 28/10 năm ngoái, Thủy điện Đắk Mi 4,ở tỉnh Quảng Nam xả lũ trong lúc người dân đi sơ tán tránh bão số 9 với lưu lượng trên 7.000 m3/giây. Hàng trăm hộ dân ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bị trôi hết tài sản, nhà cửa.
Đến nay, sau 5 tháng xảy ra vụ việc này, Công ty Cổ phần thủy điện Đắk Mi vẫn chưa thống nhất số tiền hỗ trợ cho người dân. Cơn lũ lịch sử đã cuốn trôi nhiều nhà cửa khiến họ phải đi ở ghép, không có đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn
Gần nửa năm sau ngày thủy điện Đăk Mi4 xả lũ đột ngột, những ngôi nhà ven sông Đăk Mi thuộc xã Cà Dy, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang vẫn còn rõ dấu tích trận lũ lịch sử. Ở làng Pà Dấu 1, nhiều đồ đạc bị lũ cuốn trôi, hư hỏng nằm vất vưởng dọc sông.
Sau khi thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ gây ngập nhà, gia đình ông Lê Khánh Đạt ở thôn Pà Dấu, xã Cà Dy chỉ còn cái xác nhà và 5 con heo. Sau Tết đến nay, ngôi nhà này hầu như đóng cửa im ỉm. Các hộ gia đình từng bị sập nhà trong lũ nay đã làm được nhà mới. Theo bà con, mọi kinh phí khắc phục hậu quả này đều do bà con tự lo liệu, san sẻ với nhau.
Ông Nguyễn Năng Hoàng, nhà ở đầu cầu Xơi, thuộc làng Rô, xã Cà Dy, huyện Nam Giang bức xúc: “Thủy điện ĐăkMi 4 thì từ sau khi xả lũ đến nay, họ chỉ cử 1 nhân viên xuống kiểm tra sơ sơ rồi mất hút luôn, không thấy động tĩnh gì, bức xúc lắm thủy điện này. Đang sống yên lành thì họ canh lúc dân đi tránh bão xả lũ xuống, về thấy nước ngập nhà. Vậy mà từ đó đến giò họ không một lời hỏi thăm dân một lời”.
Còn chị A Lăng Tuốt, ở xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi tài sản của gia đình chị cùng hàng trăm hộ dân khác bị thủy điện xả lũ bất ngờ cuốn trôi, người dân địa phương đã thống kê thiệt hại và nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ, đền bù. Nhưng điều đáng trách nhất là thái độ của mấy ông chủ thủy điện.
“Thái độ của họ rất vô tâm, lẽ ra 1, 2 ngày sau khi xả lũ họ phải xuống xem dân sống khổ sở thế nào. Bùn quanh nhà em, con cái thì không có chỗ nằm, nằm quanh dưới sàn nhà người ta. Không thấy họ đến hỏi thăm người dân. Đến sau 2 tháng khi dọn dẹp hết họ mới xuống”, chị A Lăng Tuốt bức xúc.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Mi, chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 vẫn khăng khăng, việc xả lũ đúng quy trình và hợp lý, do nước về quá nhiều nếu không cắt nhanh sẽ ảnh hưởng hồ đập. Đến nay, chủ thủy điện vẫn chưa đền bù, hỗ trợ cho dân vùng hạ du.
“Vấn đề này, đang xin ý kiến Hội đồng quản trị, thì để Hội đồng quản trị Công ty duyệt chứ anh. Bọn em đâu có biết được, bọn em trình rồi. Trình xin hỗ trợ cho cái việc ấy thôi, còn duyệt bao nhiêu thì Hội đồng Quản trị quyết. Xin hỗ trợ về chủ trương thôi còn HĐQT duyệt bao nhiêu bọn em đâu có biết. Theo báo cáo của UBND huyện Nam Giang thì bọn em xin chủ trương hỗ trợ thôi còn quyết bao nhiêu bọn em đâu biết được. Bọn em có sai đâu mà đền bù”, ông Nguyễn Thanh Bình giải thích.
Ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, nếu phía thủy điện chỉ đồng ý hỗ trợ 50% chi phí thiệt hại khác thì địa phương sẽ không biết chi trả cho các hộ dân bị thiệt hại như thế nào. Bởi, con số thiệt hại đã có sẵn, mức độ ảnh hưởng của từng hộ dân đã được thể hiện trên bảng tổng hợp số liệu. Riêng phần hỗ trợ thiệt hại các công trình dân sinh, ông Sơn nói trách nhiệm thuộc về phía Thủy điện Đăk Mi 4.
Về phía địa phương, sau khi xảy ra sự cố, huyện đã linh hoạt tìm mọi nguồn kinh phí khoảng 2 tỷ đồng để giúp các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ trong năm 2020, trong đó có số hộ dân bị thủy điện xả lũ gây thiệt hại. Theo ông A Viết Sơn, huyện đang tập trung lo cho người dân ổn định cuộc sống trước.
“Quan điểm của huyện là không để hộ dân thông qua việc này mà lợi dụng kê khống, không đảm bảo với chính sách, cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền để có sự thống nhất. Ngoài ra, các chế độ chính sách của nhà nước liên quan đến thiệt hại đã được hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân. Đăk Mi chưa hỗ trợ nhưng các chính sách của tỉnh, huyện thì huyện đã chi hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân”, ông A Viết Sơn nói.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, quan điểm của tỉnh là thủy điện phải phối hợp với chính quyền địa phương rà soát chính xác số liệu thiệt hại để đưa ra mức đền bù, hỗ trợ cho người dân nhưng tinh thần là phải khách quan, hài hòa giữa các bên.
“Tỉnh cũng đang đề nghị huyện Nam Giang phối hợp với Công ty Thủy điện để xác định lại chính xác thiệt hại của bà con, đảm bảo tính khách quan nhất để thực hiện việc xem xét bồi thường, hỗ trợ. Để có số liệu chính xác thống nhất giữa các bên thì phải tiếp tục nữa”, ông Thanh cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, tỉnh đã giao cho huyện phối hợp với Công ty làm cho thật kỹ để có mức bồi thường, hỗ trợ cho người dân thỏa đáng.
“Cái gì bồi thường thì phải bồi thường, còn cái gì hỗ trợ thì hỗ trợ”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Theo VOV.VN
Ảnh: Thủy điện Đăk Mi 4 đột ngột xả lũ khi dân đi sơ tán tránh bão số 9.
Xem bài viết gốc tại đây: