Chất lượng không khí một số nơi ở Bắc Bộ có hại cho sức khỏe

Theo ứng dụng PAM Air, một số điểm quan trắc ở khu vực miền Bắc đã cảnh báo chất lượng không khí rất xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

TTXVN đưa tin, ngày 27/3, ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận, điểm quan trắc tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có chỉ số chất lượng không khí VN AQI là 369 – mức nguy hại.

Đây là chỉ số AQI thuộc mức cảnh báo cao nhất (khẩn cấp) toàn bộ người dân thuộc khu vực trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Theo trang web moitruongthudo.vn của UBND thành phố Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí đo được vào 12h ngày 27/3 tại các điểm quan trắc trên địa bàn thành phố Hà Nội phần lớn duy trì ở mức trung bình và kém.

Các điểm có chỉ số chất lượng không khí kém (từ 101-150) gồm: Công an phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) có chỉ số 132; Công viên hồ Thành Công (quận Ba Đình) có chỉ số 124; Trường Mầm non Kim Liên (quận Đống Đa) có chỉ số 109; UBND phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) có chỉ số 111…

Ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý) cho thấy, nhiều điểm quan trắc ở khu vực miền Bắc báo chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức xấu và rất xấu, có hại cho sức khỏe con người.

Một số điểm quan trắc đã cảnh báo chất lượng không khí rất xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe con người như: Trường Mầm non thực hành Hoa Hồng (quận Đống Đa, Hà Nội); phố Lạc Trung, thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc); đường Cách mạng Tháng 8, thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên); Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh); Thư viện tỉnh Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang)…

Theo báo Xây dựng, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 742/UBND-ĐT về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Theo đó, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, có trách nhiệm tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố để cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.

Trong quá trình thực hiện, các Sở, ngành chủ động phối hợp, báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn các cơ quan chuyên ngành Trung ương để thực hiện hiệu quả các nội dung nhiệm vụ được giao.

Theo Công văn, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường các nhiệm vụ như sau: Vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống quan trắc môi trường, đảm bảo cung cấp thông tin diễn biến chất lượng không khí liên tục tới các cơ quan báo chí truyền thông để phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; Thực hiện kiểm kê khí thải trên địa bàn thành phố làm cơ sở xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, lồng ghép kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố;

Xây dựng, ứng dụng phần mềm mô hình hóa, dự báo, cảnh báo ô nhiễm không khí; Đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố; Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định, hoàn thành xong trong quý II/2021; Phối hợp Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Công Thương và các quận, huyện, thị xã rà soát tổng hợp danh mục, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị.

Phối hợp các quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành chỉ tiêu loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố trong quý II/2021; Đảm bảo trong năm 2021 không còn tình trạng đốt rơm rạ; Phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe gắn máy, mô tô trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tham mưu UBND Thành phố về giải pháp kiểm soát khí thải từ giao thông, góp phần cải thiện chất lượng không khí.

UBND Thành phố Hà Nội giao các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông định hướng, quán triệt các cơ quan báo chí, truyền hình sử dụng thông tin chất lượng môi trường do các cơ quan có thẩm quyền.

Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để giảm thiểu tác động tới môi trường không khí.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, quán triệt tới từng xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường không khí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND Thành phố.

H.H (tổng hợp) – Tạp chí NĐT

Theo Người Đưa Tin

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.nguoiduatin.vn/chat-luong-khong-khi-o-bac-bo-anh-huong-xau-toi-suc-khoe-con-nguoi-a509743.html