Tàu cát hút liên tục đã khiến cho diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp. Có nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào hàng chục mét khiến cho người dân vô cùng bức xúc.
Hút cát bất kể ngày đêm
Chị Lê Thị Hiền, trú xóm Dương Hạp, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An chỉ vào bờ sông bị sạt lở, lấn sâu vài chục mét vào đất sản xuất thở dài cho biết, trước đây sông Con (còn gọi là sông Hiếu) chảy qua hai xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Hoàn bồi đắp hai bên bờ thành những bãi đất trù phú giúp cho người dân hai xã canh tác trồng hoa màu hàng năm.
Nhưng từ khi có một công ty hoạt động khai thác cát thì hàng nghìn m2 đất canh tác đã trôi xuống dòng sông. Trong đó, nhiều điểm sạt lở cao 4-5m, dài cả chục mét và ngày càng lan rộng, ăn dần vào những cánh đồng sản xuất khiến người dân rất lo lắng.
“Lòng sông trước đây rất nhỏ nhưng nay đã lấn vào hàng chục mét. Diện tích đất nông nghiệp của người dân xóm này đang ngày càng bị thu hẹp vì tình trạng sạt lở bờ sông. Có nhiều nơi chúng tôi không thể trồng ngô được nữa, vì còn đất đâu mà làm”, chị Hiền nói.
Chỉ tay về phía bến cát của một doanh nghiệp nằm đối diện khu vực bờ sông bị sạt lở, anh Nguyễn Văn Hùng khẳng định nguyên nhân khiến khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng là do tình trạng khai thác cát sỏi. Không chỉ khai thác giữa lòng sông, nhiều tàu hút cát còn liên tục chọc ống hút vào mép bờ sông để hút cát. Việc hút cát diễn ra đã lâu, bất kể ngày đêm khiến cho người dân vô cùng bức xúc.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã rồi, nhưng không hiểu sao phản ánh của người dân vẫn không được giải quyết. Cứ tình trạng này thì vài năm nữa làm gì còn ruộng mà canh tác nữa”, anh Hùng nói.
Trước tình trạng bị sạt lở mất đất sản xuất, bà Cao Thị Tám, một người dân xóm Dương Hạp có diện tích đất bị mất nhiều nhất đã làm đơn gửi các cơ quan ban, ngành địa phương, để yêu cầu phía doanh nghiệp bồi thường cho phần đất đã mất. Đơn đã nhận được chữ ký của đông đảo người dân trong xóm, và xác nhận của Ban chỉ huy xóm Dương Hạp.
Ông Lê Dương Ý, Trưởng xóm Dương Hạp cho biết, từ khi có doanh nghiệp về khai thác cát, đất canh tác bị sạt lở dần. Đỉnh điểm từ sau Tết Nguyên đán 2021 đến nay là bị sạt lở nhiều nhất, đã có khoảng 1ha đất bị trôi xuống sông. “Mới đây thôi, cách đây ít ngày, có người dân trong xóm đi cuốc cỏ lạc thì phát hiện 3 tàu hút cát đang hút sát bờ liền báo cho ban chỉ huy xóm, công an xã ra thì mấy thuyền này bỏ chạy mất”, ông Ý nói.
Yêu cầu khắc phục, ngăn chặn sạt lở
Trả lời về vấn đề trên, ông Hoàng Ngọc Hạnh – Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng xác nhận, tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng tại xóm Dương Hạp đã gây thiệt hại rất lớn đến diện tích đất sản xuất cũng như hoa màu của người dân.
Sau khi kiểm tra, nhận thấy phản ánh có cơ sở, UBDN xã này cũng đã có tờ trình gửi UBND huyện Tân Kỳ đề nghị kiểm tra và đình chỉ khai thác cát sỏi của doanh nghiệp. “Xã đã làm tờ trình đề nghị huyện về kiểm tra, xử lý. Về phía xã chỉ có chức năng giám sát và kiến nghị cấp trên xử lý”, ông Hạnh nói.
Được biết, đơn vị đang tiến hành khai thác cát trên địa bàn xã Nghĩa Dũng là công ty TNHH Đầu tư phát triển tài nguyên Thái Cực, do ông Bùi Xuân Hải làm giám đốc, địa chỉ tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An.
Khi được hỏi về việc này, ông Bùi Xuân Hải thừa nhận đơn vị đang tiến hành hút cát, do công nhân của công ty hút cát sát với ranh giới đất canh tác của người dân nên gây tình trạng sạt lở. “Mấy hôm nay đơn vị đang họp bàn với người dân để lên kế hoạch khắc phục”, vị giám đốc này phân trần.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Văn Thanh – Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Kỳ cho biết, nhận được thông tin phòng cùng với lãnh đạo huyện đã xuống kiểm tra và lập biên bản xử lý, yêu cầu doanh nghiệp đình chỉ khai thác 1 tháng để khắc phục hậu quả bằng cách bồi đắp chân bờ sông sau đó đóng cọc tre, đan tấm phên để ngăn chặn tình trạng sạt lở.
“Chúng tôi yêu cầu công ty khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng đất sản xuất, đền bù thiệt hại hoa màu bị sạt lở cho người dân”, ông Thanh nói.
Theo Người Đưa Tin
Xem bài viết gốc tại đây: