Tháng 5/2013, Sở Xây dựng Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng bãi phế thải xây dựng có diện tích quy hoạch khoảng 9,37ha ở huyện Đan Phượng. Nhưng sau gần 8 năm, dự án đã bị tạm dừng.
Người dân thiếu điểm tập kết chất thải rắn xây dựng
Huyện Đan Phượng đang trong quá trình đô thị hóa nhanh nên hoạt động xây dựng ngày càng phát triển mạnh. Khối lượng chất thải rắn xây dựng thải ra môi trường cũng nhiều hơn và ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân.
Trong hoàn cảnh này, việc đầu tư xây dựng một khu tiếp nhận và xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn huyện Đan Phượng là rất cần thiết. Nhưng thật bất ngờ khi huyện được quy hoạch lên quận vào năm 2025 nhưng đến nãy vẫn chưa có một khu xử lý chất thải rắn xây dựng đúng quy hoạch.
Chia sẻ về tình hình xử lý rác thải tại địa phương, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng cho biết, cả huyện có 18 điểm trung chuyển và 2 nhà máy xử lý rác thải, nhưng chỉ nhận xử lý rác thải sinh hoạt. Việc quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn huyện trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là xử lý chất thải rắn xây dựng từ công trình nhà ở của người dân.
Năm 2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 08/2017/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn xây dựng. Thông tư có quy định, chất thải rắn xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng.
Trường hợp các hộ gia đình tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng thì phải thực hiện quản lý chất thải rắn xây dựng theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Thực tế, huyện Đan Phượng chưa từng có khu tập kết và xử lý chất thải rắn xây dựng đúng quy hoạch. Chính quyền địa phương chủ yếu hướng dẫn người dân tái sử dụng phế thải làm vật liệu san lấp mặt bằng, nâng nền hoặc lấp ao.
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng cho biết: “Trên địa bàn huyện thời gian qua vẫn có tình trạng đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định, đổ trộm ra đường giao thông, vỉa hè, đất nông nghiệp… gây bức xúc trong nhân dân, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị và không đảm bảo an toàn giao thông”.
“Tại Hội nghị giao ban với các xã và thị trấn theo quý, theo tháng, phòng Quản lý đô thị có đề nghị lãnh đạo các xã, thị trấn bố trí 1 bãi trung chuyển chất thải rắn xây dựng ở mỗi địa phương, nhưng thực tế chưa thể thực hiện vì nhiều lý do khác nhau”.
Chính vì vậy, dù UBND các xã, thị trấn đã cố gắng tuyên truyền, cảnh báo người dân phá dỡ, thu dọn chất thải đúng quy định và thực hiện các biện pháp mạnh như phạt tiền, thu hồi phương tiện… Nhưng tình hình đổ trộm chất thải rắn xây dựng vẫn chưa được cải thiện triệt để.
Anh Nguyễn Trọng C, một người dân đang xây nhà ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết: “Vì xã tôi không có bãi tập kết chất thải rắn xây dựng tập trung nên người dân phải tự tìm kiếm địa điểm chôn lấp gạch, ngói hay bê tông. Một số người không tìm được địa điểm chôn lấp thì đổ trộm ở gần đường giao thông hay đất ruộng. Chúng tôi mong chính quyền bố trí cho một bãi tập kết phế thải lâu lắm rồi”.
Bãi phế thải xây dựng 40 tỷ đồng không còn phù hợp
Để giải quyết khó khăn cho huyện Đan Phượng trong công tác thu gom và xử lý chất thải rắn xây dựng, UBND Thành phố Hà Nội đã có Công văn số 566/UBND-KH&ĐT ngày 19/01/2012 về việc chấp thuận kế hoạch đầu tư và điều chỉnh nội dung đầu tư dự án xây dựng bãi phế thải xây dựng tập trung tại điểm X3, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng.
Ngày 22/5/2013, Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng bãi phế thải xây dựng ở huyện Đan Phượng với tổng mức đầu tư 40,364 tỷ đồng, diện tích quy hoạch 9,37ha. Sau đó, Sở Xây dựng lần lượt ban hành 2 Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình.
Ngày 31/7/2013, UBND huyện Đan Phượng ban hành Quyết định số 3623/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất. Nhưng tính đến nay, dự án bãi phế thải xây dựng vẫn chỉ nằm trên giấy.
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng cho biết, dự án chưa được bố trí kế hoạch vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai các gói thầu, trong khi thời gian thực hiện dự án theo Quyết định đầu tư của Sở Xây dựng Hà Nội là giai đoạn 2013 – 2014, tính đến nay đã hết hạn.
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng có các thông báo thẩm định dự án với lưu ý: “Trường hợp dự án chỉ khai thác trong vòng đời từ 3–5 năm thì cần xem lại các nội dung, quy mô đầu tư để tiết kiệm, tránh lãng phí, đồng thời đánh giá kỹ lại hiệu quả đầu tư dự án”.
Thực tế, phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt trước nay chủ yếu là chôn lấp. Cách làm này đòi hỏi một quỹ đất lớn, tốn kém chi phí vận chuyển xa thành phố, gây lãng phí tài nguyên tái chế và gián tiếp đẩy mạnh hoạt động khai thác cát, gây ra xói lở các bờ sông.
Hiện nay, phương pháp chôn lấp không còn phù hợp với chủ trương của Thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng về việc khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng và xử lý đối với chất thải rắn xây dựng, hạn chế chôn lấp gây lãng phí tài nguyên.
Chính vì vậy, Sở Xây dựng Hà Nội đã Quyết định tạm dừng thực hiện dự án xây dựng bãi phế thải để xem xét lại phương pháp xử lý, vận hành điểm xử lý chất thải rắn xây dựng phù hợp với tình hình thực tế của huyện Đan Phượng và công nghệ xử lý mới hiện nay.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Số liệu của Phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng cho biết, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt của huyện trong năm qua đạt tỷ lệ 98% (khoảng 103 tấn/ngày). Nhưng số liệu về chất thải rắn xây dựng gần như không có vì huyện chưa có khu tập kết loại rác thải này.
Theo Xây Dựng
Ảnh: Huyện Đan Phượng đang trong quá trình đô thị hóa nhanh nên hoạt động xây dựng ngày càng phát triển mạnh.
Xem bài viết gốc tại đây: