Mối đe dọa lớn từ nước thải sinh hoạt

Ông Yutaka Matsuzawa, chuyên gia môi trường của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại VIệt Nam khẳng định nước thải sinh hoạt chính là tác nhân đáng sợ nhất gây ô nhiễm nguồn nước.

Nước ta hiện đang phải đối mặt với gánh nặng phát triển kép do các vấn đề về chất lượng nước nội tại. Chất lượng nước ở Việt Nam suy thoái một cách đáng lo ngại, với nguồn phát sinh chủ yếu từ các thành phố, khu công nghiệp và nông nghiệp. Dòng chảy qua các thành phố lớn bị ô nhiễm nặng. Nước dưới đất ở nhiều vùng đã bị ô nhiễm, khai thác quá mức đã dẫn đến gia tăng độ mặn và nồng độ các chất ô nhiễm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, các lưu vực sông trong cả nước đều đang đứng trước xu thế ô nhiễm, chưa được khắc phục triệt để. Riêng lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy có khoảng 65% nguồn thải từ khu vực Hà Nội, chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ từ nước thải sinh hoạt.

Cùng quan điểm về nhận định trên, Ông Yutaka Matsuzawa, chuyên gia môi trường của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam khẳng định nước thải sinh hoạt chính là tác nhân đáng sợ nhất gây ô nhiễm nguồn nước. Không những thế, nước thải sinh hoạt còn là hiểm hoạ môi trường hàng đầu tại Việt Nam hiện nay.

Khi con người sử dụng những nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây nên các bệnh liên quan đến sức khỏe đặc biệt là trẻ em có sức đề kháng kém hơn người trưởng thành như: Bệnh viêm phổi ở trẻ em, viêm da ở người lớn, suy nhược cơ thể, ngộ độc, ung thư… Về lâu dài, đây là con đường làm hệ gen của sinh vật biến đổi, làm suy yếu và tuyệt chủng giống loài.

Theo TS Nguyễn Phương Quý, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam cho rằng, nhiều sông hồ hiện đang ở mức ô nhiễm trầm trọng. Việc lạm dụng thuốc trừ sâu hiện nay là một trong những tác nhân gây nên sự ô nhiễm trong môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống. Lượng thuốc trừ sâu dùng trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam khoảng 300 kg/ha, trong khi các nước láng giềng chỉ khoảng 150-160 kg/ha. Trừ phần dinh dưỡng dành cho cây trồng, phần còn lại thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường đất trên diện rộng và lâu dài.

Ngoài ra, do sự phổ biến của các hệ thống cống kết hợp (thu gom chung cho cả nước thải và nước mưa), nước thải sinh hoạt chiếm 30% lượng nước thải ra các hồ, kênh và sông. Tại TP.Hà Nội và TP.HCM xả vào môi trường khoảng 700.000–900.000 m3 một ngày. Tình trạng này là hệ quả của tỉ lệ kết nối với mạng lưới thoát nước thấp, thiếu đầu tư trên diện rộng vào thu gom và xử lý nước thải, thiếu quan tâm đến tái sử dụng nước thải, và hệ thống quản lý kém hiệu quả.

Nước thải qua xử lý mới đạt gần 13%

Tính đến năm 2019, Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên tỉ lệ nước thải được thu gom và xử lý chỉ đạt khoảng 13%.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, hiện thành phố có lượng nước sinh hoạt hơn 1,8 triệu m3/ngày được cấp đến người dân, tương đương sẽ có hơn 1,4 triệu m3 (chiếm tỉ lệ 80%) được thải ra mỗi ngày.

Nếu tính tổng lượng nước thải đô thị trên địa bàn thành phố được thu gom, xử lý tập trung trước khi thải ra môi trường với gần 190.000 m³/ngày thì mới chỉ đạt tỉ lệ gần 13%. Điều này đòi hỏi thời gian tới, thành phố cần tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ các nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt để đạt mục tiêu đề ra.

tm-img-alt
Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (Hà Nội).

PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Khoa Kỹ thuật Môi trường – ĐH Xây dựng Hà Nội nhận định, sự phát triển nhanh chóng của các khu vực đô thị gây nên áp lực gia tăng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cũng như thương mại. Bên cạnh đó, lượng nước thải tính trên đầu người ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu dịch vụ xử lý nước thải, thoát nước thải gia tăng nhanh chóng.

Nước thải chứa nhiều chất rắn, chất độc gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe con người. Trong khi, hạ tầng công trình xử lý nước thải hiện lại chưa đầy đủ.

Sớm đầu tư hạ tầng kỹ thuật – công nghệ

Bàn về giải pháp, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) cho rằng, cần đẩy mạnh kêu gọi hình thức xã hội hóa đầu tư hạ tầng xử lý nước thải sinh hoạt thời gian tới. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần xác định và ban hành đơn giá phù hợp, để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt.

Còn theo PGS, TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nước thải tại các đô thị lớn của nước ta hầu như chưa được xử lý hoặc mới xử lý được một phần nhỏ rồi xả trực tiếp ra ao hồ, kênh rạch, sông nội thành gây ô nhiễm môi trường nước mặt. Vì vậy, đã đến lúc việc quản lý và xử lý nước thải cần được quan tâm hơn ở các khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành. Ngoài ra, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài, bền vững cũng cần tăng cường biện pháp chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước.

Khung pháp lý cho kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên nước

Xả nước thải được quy định bởi Luật Tài nguyên Nước năm 2012; Luật Bảo vệ môi trường 2014 và 2020; Nghị định về thoát nước và xử lý nước thải 2014 và Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu (2015). Các Nghị định quy định rằng nước thải phải được thu gom, xử lý, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho các đơn vị chức năng phù hợp để tái sử dụng hoặc xử lý đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường.

Hơn nữa, các khu công nghiệp có nghĩa vụ phải có hệ thống xử lý nước thải để xử lý toàn bộ nước thải phát sinh trong quá trình vận hành. Thông tư 35/2015/TT-BTNMT, các cơ sở kinh doanh dịch vục phải đấu nối với cơ sở xử lý nước thải tập trung trong khu công nghiệp.

Thùy Linh – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Ảnh minh họa.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/moi-de-doa-lon-tu-nuoc-thai-sinh-hoat-53796.html