Liên quan việc Trưởng Công an xã Tam Tiến, huyện Yên Thế (Bắc Giang) tổ chức thu giữ máy trộn bê tông của doanh nghiệp – Theo ý kiến Luật sư thì vụ việc cần phải khởi tố để điều tra.
Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã thông tin việc Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng đô thị LG (sau đây viết tắt là Công ty LG) có địa chỉ tại: Ngõ Hòa Bình 1, đường Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội làm đơn tố cáo ông Phạm Tuân, trưởng Công an xã Tam Tiến, huyện Yên Thế có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu giữ tài sản trái phép của đơn vị này.
Theo đó, ngày 27/4/2020, Công ty LG ký Hợp đồng kinh tế số 27042020/HĐKT/HR-LG với Công ty TNHH Công nghiệp Huarong (Công ty Huarong) về việc cung cấp vật tư, thiết bị và thi công xây dựng Nhà máy sản xuất ván sợi MDF và Viên nén gỗ sinh học (sau đây viết tắt là Dự án) có địa chỉ tại Bản Diễn, xã Tam Tiến.
Một trong các hạng mục mà Công ty LG phải thi công theo hợp đồng trên là toàn bộ sân, đường bê tông nội bộ của Dự án. Đến ngày 26/11/2020, Công ty LG mới đổ xong một phần bê tông trên diện tích sân này nên tại công trường vẫn đang tập kết VLXD và các loại phương tiện, máy móc phục vụ thi công.
Vào khoảng 18h ngày 01/12/2020, ông Phạm Tuân – trưởng Công an xã Tam Tiến kéo người vào công trường lấy đi một máy trộn bê tông có giá trị hơn 70 triệu đồng (các tài sản khác chưa được kiểm kê). Sau đó mang về trụ sở xã Tam Tiến cất giữ.
Nhà máy do Công ty Huarong làm chủ đầu tư, nơi xảy ra sự việc và đang bị phán ánh nhiều “vấn đề” về môi trường, phòng cháy chữa cháy và có dấu diệu sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng mở rộng nhà xưởng |
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lam, Giám đốc Công ty LG cho biết: “Toàn bộ mặt bằng khu vực công trường thi công trên là do Công ty LG sử dụng và quản lý trên cơ sở Hợp đồng kinh tế và Biên bản hiện trường số 08-2020/BBHT/HR-LG đã ký giữa Công ty LG với Công ty Huarong. Vì vậy, mọi hành vi của cá nhân, tổ chức tự ý xông vào khu vực này và thu giữ phương tiện, tài sản hợp pháp của Công ty LG đều là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.
Khi hỏi về nguyên nhân xảy ra vụ việc, ông Lam đặt nghi vấn: “Trước khi xảy ra sự việc trên, thì giữa chúng tôi và chủ đầu tư xuất hiện tranh chấp Hợp đồng kinh tế số 27042020/HĐKT/HR-LG. Do đó, tôi nghi rằng Công ty Huarong đã “dàn dựng” vụ việc để đẩy chúng tôi ra khỏi công trường”.
Ông Lam viện dẫn căn cứ: “Ngay sau khi sự việc xảy thì 150 công nhân của Công ty LG đang làm việc tại Dự án đã bị Công ty Huarong đẩy ra đường, không được vào công trường để tiếp tục thi công, hoàn thiện các hạng mục còn dở dang. Việc này không chỉ gây thất nghiệp cho hàng trăm con người mà nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nghiệm thu, bàn giao và thanh quyết toán Dự án”.
Xác nhận nội dung phản ánh trên, Thiếu tá Phạm Tuân – trưởng Công an xã Tam Tiến cho biết: “Công an xã thu giữ máy trộn bê tông của Công ty LG dựa trên căn cứ vào đơn đề nghị của Công ty Huarong. Quá trình thu giữ được thực hiện đúng theo trình tự pháp luật”.
Máy trộn bê tông của Công ty LG nằm tại khu vực công trường thi công Dự án trước khi bị Công an xã Tam Tiến thu giữ |
Để có góc nhìn khách quan, đúng bản chất vụ việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Xuân Hải thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
Theo Luật sư Trương Xuân Hải, giữa Công ty LG và Công ty Huarong là quan hệ dân sự trên cơ sở Hợp đồng kinh tế và Biên bản hiện trường số 08-2020/BBHT/HR-LG đã ký kết. Trường hợp nếu có phát sinh tranh chấp Hợp đồng kinh tế thì sẽ giải quyết theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự. Mà thẩm quyền ở đây là Toà án Nhân dân và cơ quan thi hành dân sự. Không liên quan gì đến lực lượng công an. Còn nếu đúng Trưởng Công an xã Tam Tiến, huyện Yên Thế tổ chức thu giữ trái phép máy trộn bê tông của Công ty LG như phản ánh ở trên, thì đây là hành vi có dấu hiệu về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 357, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
“Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, người phạm tội thực hiện hành vi của mình là cố ý ( có cả cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra “. Luật sư Hải phân tích.
Như vậy, nếu đủ căn cứ chứng minh Thiếu tá Phạm Tuân, Trưởng Công an xã Tam Tiến tổ chức thu giữ máy trộn bê tông trái thẩm quyền, gây thiệt hại về kinh tế, chậm tiến độ thi công Dự án thì Công ty LG hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án để điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 357, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Luật sư Trương Xuân Hải nêu quan điểm.
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ như sau: “1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác361 đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: (a) Có tổ chức; (b) Phạm tội 02 lần trở lên; (c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. |
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Thái Quảng – Ngọc Tuyên
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Máy trộn bê tông của Công ty LG bị thu giữ tại trụ sở UBND xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, Bắc Giang