Một doanh nghiệp ở Hà Nội đã làm đơn tố cáo ông Phạm Tuân, Trưởng Công an xã Tam Tiến, huyện Yên Thế (Bắc Giang) có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu giữ tài sản trái phép của đơn vị này.
Cụ thể, theo nội dung đơn phản ánh của Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng đô thị LG (sau đây viết tắt là Công ty LG) có địa chỉ tại: Ngõ Hòa Bình 1, đường Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội cho biết: Ngày 27/4/2020, Công ty LG ký Hợp đồng kinh tế số 27042020/HĐKT/HR-LG với Công ty TNHH Công nghiệp Huarong (Công ty Huarong) về việc cung cấp vật tư, thiết bị và thi công xây dựng Nhà máy sản xuất ván sợi MDF và Viên nén gỗ sinh học (sau đây viết tắt là Dự án) tại địa chỉ: Bản Diễn, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Một trong các hạng mục mà Công ty LG phải thi công theo hợp đồng trên là toàn bộ sân, đường bê tông nội bộ của Dự án. Đến ngày 26/11/2020, Công ty LG mới đổ xong một phần bê tông trên diện tích sân này nên tại công trường vẫn đang tập kết vật liệu xây dựng, công nhân và các loại phương tiện, máy móc phục vụ thi công.
Tuy nhiên, vào khoảng 18h ngày 01/12/2020, có một nhóm người kéo vào công trường sau đó lấy đi một máy trộn bê tông (các tài sản khác chưa được kiểm kê) khỏi công trường. Sau khi phát hiện sự việc, phía Công ty LG đã làm đơn trình báo đến các cơ quan bảo vệ pháp luật của huyện Yên Thế và xã Tam Tiến.
Máy trộn bê tông của Công ty LG đang được thu giữ và “bảo quản” tại trụ sở UBND xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, Bắc Giang |
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lam – Giám đốc Công ty LG cho biết: “Sau khi trình báo sự việc trên chúng tôi mới biết việc thu giữ chiếc xe trộn bê tông trên là do ông Phạm Tuân, Trưởng Công an xã Tam Tiến chỉ đạo thực hiện”.
Cũng theo ông Lam: “Toàn bộ mặt bằng khu vực công trường thi công trên là do Công ty LG sử dụng và quản lý trên cơ sở Hợp đồng kinh tế và Biên bản hiện trường số 08-2020/BBHT/HR-LG đã ký giữa Công ty LG với chủ đầu tư Dự án là Công ty Huarong. Vì vậy, mọi hành vi của cá nhân, tổ chức tự ý xông vào khu vực này và thu giữ phương tiện, tài sản hợp pháp của Công ty LG đều là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.
Để làm rõ nội dung phản ánh trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Đặng Chí Nguyện – Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, huyện Yên Thế. Liên quan đến việc Công an xã thu giữ máy trộn bê tông của Công ty LG, ông Nguyện cho biết bản thân ông không chỉ đạo việc thu giữ phương tiện trên. Do đó, người đứng đầu chính quyền xã này đề nghị PV làm việc trực tiếp với trưởng Công an xã.
Tại buổi làm việc với PV, ông Đặng Chí Nguyện, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến khẳng định không chỉ đạo Công an xã thu giữ phương tiện của Công ty LG |
Ngay sau đó, PV đã có buổi làm việc với Thiếu tá Phạm Tuân – Trưởng Công an xã Tam Tiến. Trả lời câu hỏi của PV về nguyên nhân, căn cứ để công an xã thu giữ máy trộn bê tông của Công ty LG.
Thiếu tá Tuân bất ngờ cho biết: “Chúng tôi không tịch thu phương tiện như ông Lam tố cáo, mà chỉ tạm giữ mang về để bảo quản (?!). Việc tạm giữ này chúng tôi làm theo đơn đề nghị của Công ty Huarong”.
Trả lời về thẩm quyền của Công an xã có được phép thu giữ tài sản trên, ông Tuân khẳng định:“Đối với công xã thì không có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phương tiện trên, ở đây chúng tôi chỉ tạm giữ phương tiện này. Việc thu giữ trên chúng tôi tiến hành đúng theo trình tự thủ tục pháp luật”
PV tiếp tục đặt câu hỏi, tại thời điểm thu giữ thì máy trộn bê tông đang đặt trên mặt bằng khu đất của Công ty LG quản lý do Công ty Huarong bàn giao để thi công Dự án. Việc công an vào khu vực này để thu giữ phương tiện trên liệu có đảm bảo khách quan, đủ căn cứ theo quy định pháp luật?
Ông Tuân trả lời: “Tôi nghĩ anh (PV) hỏi câu này hơi sâu, nhưng tài liệu chứng cứ trong hồ sơ thì chúng tôi đủ căn cứ tạm giữ. Nếu như Công ty Huarong không có đơn đề nghị và chúng tôi không đủ căn cứ thì chúng tôi sẽ không tạm giữ phương tiện trên”.
Khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ, đặc biệt là nội dung đơn đề nghị của Công ty Huarong, nhưng Thiếu tá Phạm Tuân từ chối với lý do, đây là tài liệu nghiệp vụ nên không thể cung cấp. Đồng thời sau đó ông Tuân cho biết, nếu PV muốn tiếp cận được hồ sơ vụ việc thì phải làm việc và được sự đồng ý của cấp trên.
Trước thắc mắc của PV về việc đơn vị nào phải chi trả kinh phí vận chuyển máy trộn bê tông trên về trụ sở xã Tam Tiến, ông Tuân nói: “Đến nay chúng tôi chưa chi trả khoản đó, và cũng chưa biết lấy nguồn kinh phí từ đâu để trả”.
Trong một diễn biến khác có liên quan, nói về nguyên nhân xảy ra vụ việc, ông Nguyễn Văn Lam đặt nghi vấn: “Trước khi xảy ra sự việc trên, thì giữa chúng tôi và chủ đầu tư xuất hiện tranh chấp Hợp đồng kinh tế số 27042020/HĐKT/HR-LG. Do đó, tôi nghi rằng Công ty Huarong đã “dàn dựng” vụ việc để đẩy chúng tôi ra khỏi công trường”.
Ông Lam viện dẫn căn cứ: “Ngay sau khi sự việc xảy thì 150 công nhân của Công ty LG đang làm việc tại Dự án đã bị Công ty Huarong đẩy ra đường, không được vào công trường để tiếp tục thi công, hoàn thiện các hạng mục còn dở dang. Việc này không chỉ gây thất nghiệp cho hàng trăm con người mà nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nghiệm thu, bàn giao và thanh quyết toán Dự án”.
Với nội dung tố cáo Thiếu tá Phạm Tuân lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, và những nghi vấn Công ty Huarong phối hợp “dàn dựng” sự việc trên hay không thì phải chờ vào kết luận điều tra của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, và UBND huyện Yên Thế.
Nhà máy do Công ty Huarong làm chủ đầu tư là nơi xảy ra sự việc, và đang bị phán ánh nhiều “vấn đề” về môi trường, phòng cháy chữa cháy và có dấu diệu sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng mở rộng nhà xưởng |
Trong một diễn biến khác, ngoài vụ “lùm xùm” trên, hiện nay Công ty Huarong này cón bị phản ánh nhiều “vấn đề” về môi trường, công tác phòng cháy chữa cháy và có dấu hiệu sử dụng một phần lớn diện tích đất nông nghiệp để xây dựng khu sản xuất của nhà máy. Về việc này PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND huyện Yên Thế và sẽ thông tin đến bạn đọc khi có thông tin chính thức.
Thái Quảng – Ngọc Tuyên
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)