Xâm nhập mặn tại Nam Bộ sẽ tăng cao từ cuối tháng 3

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2020 – 2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 – 2020.

Theo đó, từ ngày 11 đến 20/3/2021: Xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ, cửa sông Cửu Long xu thế tăng cao từ ngày 11 đến 16/3, sau đó giảm dần. Còn riêng sông Cái Lớn xâm nhập mặn sẽ tăng cao từ ngày 16 đến 20/3. Độ mặn cao nhất tại các trạm trong thời kỳ này phổ biến ở mức thấp hơn so với độ mặn cao nhất tuần từ ngày 1 đến 10/3.

Dự kiến trong mùa khô năm 2021, các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung vào thời kỳ từ 27/3 đến 2/4, sông Vàm Cỏ (từ ngày 9 đến 14/4, ngày 24 đến 30/4), trên sông Cái Lớn (ngày 31/3 đến 7/4, ngày 15 đến 24/4), sau giảm dần.

Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Chủ động ứng phó

Trước những dự báo về tình hình xâm nhập mặn có thể xảy ra, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn ngay từ bây giờ. Cụ thể, cần vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi các ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về.

Đồng thời, tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế rủi ro cho vùng ĐBSCL. Đồng thời đánh giá nguyên nhân, cơ chế tác động và các yếu tố ảnh hưởng đến bồi, xói vùng cửa sông ven bờ biển là cơ sở giải quyết vấn đề xói lở, bồi tụ, bồi lấp cửa sông và bờ biển tại vùng cửa sông, đem lại những lợi ích cho giao thông thủy, tiêu thoát lũ cho dòng sông, đảm bảo an ninh quốc phòng và có lợi cho các địa phương phía thượng nguồn các lưu vực sông.

Bộ cũng tập trung nghiên cứu sự biến đổi môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Việt Nam và đánh giá tác hại của các hoạt động kinh tế không được kiểm soát tại vùng thượng lưu sông Mê Kông. Các kết quả nghiên cứu đã cung cấp luận cứ để các bộ, ngành địa phương tích hợp các giải pháp vào quy hoạch ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh các giải pháp ứng phó về kỹ thuật, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ dự báo, cảnh báo sớm là một trong những giải pháp được ưu tiên trong các chỉ đạo gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ cho công tác phòng, chống loại hình thiên tai này.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động. Từ đó kịp thời thông tin, chủ động phục vụ công tác dự báo và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan.

Ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên (Bộ KH&CN) cho biết, hạn hán, xâm nhiễm mặn ở ĐBSCL là một thách thức lớn. Với diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu và việc khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông sẽ tác động nhiều đến tài nguyên nước của ĐBSCL.

Ông cũng chia sẻ thêm, cần nhấn mạnh đến công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, công nghệ dự báo giám sát nguồn nước, xâm nhập mặn ĐBSCL. Đồng thời phải đề ra các giải pháp công nghệ và cơ chế chính sách trong ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn (chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy trình và thời gian canh tác…).

Ngọc Ánh – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Hạn hán, thiếu nước tại xã An Phú Trung, huyện Ba Tri, Bến Tre. (Ảnh: Ngọc Dương/Báo Thanh Niên)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/xam-nhap-man-tai-nam-bo-se-tang-cao-tu-cuoi-thang-3-53672.html