Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ di dời gần 120 cơ sở sản xuất ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi khu vực nội thành. Thế nhưng, đến nay hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm vẫn “án binh bất động”.
Quyết định về chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường chính thức được UBND TP.Hà Nội ban hành từ năm 2003. Suốt nhiều năm sau đó, dựa trên cơ sở quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường và đối chiếu các đồ án quy hoạch của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn làm cơ sở xác định tiêu trí, các sở ban ngành của Hà Nội đề xuất di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp tại 12 quận nội thành ra khỏi khu vực nội đô. Đáng chú ý trong số này, kết quả phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường cho thấy có đến 47 đơn vị gây ô nhiễm môi trường và 11 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đến năm 2015, UBND TP.Hà Nội chính thức thành lập Ban chỉ đạo di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Đồng thời triển khai kế hoạch di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành của thành phố với lộ trình dự kiến phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên theo con số mới nhất từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến thời điểm hiện nay, Hà Nội mới thực hiện di dời 67 cơ sở sản xuất ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận.
Thực tế này khiến trên địa bàn nhiều quận nội thành hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều các cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc diện phải di dời nhưng đến nay vẫn “ung dung” hoạt động dù thời hạn cuối cùng 2020 đã hết. Kết quả khảo sát thực địa được PPWG (Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân) công bố mới đây cho thấy, trong số 39 nhà máy thuộc dạng di dời ghi trong danh sách kèm theo Công văn số QHKT/8/2011 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội ở hai quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân, mới có 21 nhà máy hoàn tất di dời và như vậy vẫn còn 18 nhà máy chưa thể di dời đúng tiến độ.
Rất nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất lớn dù nằm trong diện phải di dời nhiều năm nay nhưng do nhiều nguyên nhân đến nay vẫn hoạt động trong nội đô như Công ty Cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu đường (Trần Quý Cáp, Đống Đa) hay Nhà máy Bia Hà Nội (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình) vẫn chưa thể hoàn tất di dời.
Lý giải cho lý do di rời bị chậm trễ các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Đông Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có phần trả lời chất vấn của đại biểu trong kỳ họp 11 HĐND TP.Hà Nội, trong đó nêu rõ: “Việc chậm di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành do tâm lý các cơ sở ngại di dời vì người lao động ngại đi xa; năng lực tài chính của các đơn vị để bảo đảm sản xuất, xây dựng mới cũng còn khó khăn. Trong khi đó, Nhà nước chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ đơn vị di dời”.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TP.Hà Nội đã ban hành quyết định số 74/2003 về việc di dời, đến nay Thành phố đã xử lý triệt để 25 cơ sở ô nhiễm môi trường, di dời 67 cơ sở sản xuất ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận.
Đồng thời, Thành phố đã chỉ đạo Sở và các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng danh mục các cơ sở tiếp tục phải di dời báo cáo Thành uỷ, Thành phố, và kỳ họp tới sẽ báo cáo danh mục này.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành xây dựng quy chế về di dời nhưng chưa hoàn thành. Thực hiện Chỉ đạo của UBND Thành phố về việc rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thiết lập hồ sơ danh mục 113 cơ sở công nghiệp đề xuất di dời do không phù hợp với quy hoạch xây dựng.
Tổ công tác liên ngành đã rà soát phân loại và loại bỏ 32 cơ sở nằm trong 113 cơ sở; bổ sung 9 cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng đất do không phù hợp với quy hoạch.
Để việc xử lý di dời một cách đồng bộ, bảo đảm tính nhất quán, công bằng, nhiều chuyên gia cho rằng, TP.Hà Nội cần có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không phù hợp với quy hoạch của các Bộ, ngành thuộc Trung ương đóng trên địa bàn 12 quận thuộc Thành phố.
Việc này cùng làm đồng thời với các cơ sở thuộc thành phố quản lý. Bên cạnh đó, sớm nghiên cứu, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất và dịch vụ gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch…
Hoài Thu – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Tính đến thời điểm hiện nay, Hà Nội mới thực hiện di dời 67 cơ sở sản xuất ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận. (Ảnh minh họa)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/vi-sao-ha-noi-cham-di-doi-cac-co-so-o-nhiem-ra-khoi-noi-do-53655.html