Trả lời về sự cố rớt gối cầu metro số 1, liên danh SCC thừa nhận việc chế tạo gối có dung sai không đạt yêu cầu dẫn đến gối được lắp đặt đại trà, không đúng thiết kế kỹ thuật đã phê duyệt.
Báo cáo với UBND TP Hồ Chí Minh về tiến độ điều tra nguyên nhân sự cố trượt gối dầm metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) cho biết, Liên danh SCC (Sumitomo – Cienco 6) thừa nhận việc chế tạo gối cầu có dung sai không đạt yêu cầu (dung sai được hiểu là mức sai số kỹ thuật trong giới hạn cho phép).
Cụ thể, tại biên bản nghiệm thu, sai lệch cho phép cao độ là ±5mm, tuy nhiên, kết quả thí nghiệm có cấp lực thiết kế độ lún gối là 0,9 – 2mm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gối không tiếp xúc kín với đá kê và đáy dầm. Tức khả năng các gối tiếp xúc không đều, thậm chí là gối bị vênh.
Ngoài 2 vị trí gối cầu bị dịch chuyển, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nhận định các phân đoạn đầu dầm còn xuất hiện vết nứt theo hướng dọc cầu; bề rộng vết nứt không quá lớn và chưa quá nghiêm trọng cho vấn đề tuổi thọ cầu.
Đầu tháng 3, Liên danh SCC cho biết đã kiểm tra độ ổn định gối được hơn 75% trên toàn bộ gói thầu. Đơn vị này đã chỉ định bên tư vấn thứ 3 độc lập nhằm làm rõ nguyên nhân, đánh giá độ cứng các nhịp dầm. MAUR sẽ căn cứ vào báo cáo của Liên danh SCC và Tư vấn chung NJPT để xử lý theo quy định.
“Sau 4 tháng từ khi xảy ra sự cố trượt gối, nhà thầu SCC vẫn chưa bố trí đủ nhân sự để tập trung giải quyết các yêu cầu từ MAUR. Mặt khác, SCC đã cử một chuyên gia Nhật Bản và một chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam nhưng đến nay họ vẫn chưa có mặt để tìm hiểu sự cố”, MAUR cho hay.
Trước đó, hồi cuối tháng 10/2020, một gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn VD14-10 thuộc gói thầu CP2 bị mất ổn định rơi khỏi đá kê gối (dầm cầu này đã thi công vào năm 2016).
Sự cố trên làm các thanh ray (gác qua 2 dầm chữ U) bị bong bật khỏi bệ đỡ, xuất hiện vết nứt cục bộ tại một số vị trí của bê tông bệ đỡ đường ray.
Sau sự cố này, chủ đầu tư mới tá hỏa vì trọng lượng gối cầu EB1 và EB4 lắp trên công trình nhẹ hơn 9kg so với hồ sơ thiết kế.
Cụ thể, trong hồ sơ đệ trình do liên danh SCC gửi hồi tháng 3/2015 nêu trọng lượng gối cầu EB1 và EB4 bằng 126,1kg. Nhưng thực tế, 2 gối cầu EB1 và EB4 được lắp tại công trình chỉ có 117kg.
Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra nguyên nhân thì ngày 5/1/2021, lại phát hiện một gối cao su tại dầm VD12-34 (nằm giữa khu vực 2 ga Bình Thái và ga Thủ Đức) có dấu hiệu bị xẹp, dịch chuyển so với vị trí ban đầu khoảng 100mm.
Liên quan sự việc này, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã kiểm tra thực tế trên công trường Metro Số 1, làm việc với chủ đầu tư cùng các bên liên quan nhằm đẩy nhanh làm rõ nguyên nhân. Chủ đầu tư khẳng định việc làm rõ sự cố, đánh giá toàn diện để tuyến metro vận hành tuyệt đối an toàn là yếu tố tiên quyết.
Gối cầu là bộ phận nối từ nhịp cầu xuống mố trụ, có tác dụng như tấm đệm chịu tải và giảm lực của kết cấu nhịp truyền xuống mố trụ. Tùy công trình, gối cầu có nhiều loại và thiết kế khác nhau, có thể bằng thép hoặc đàn hồi như cao su, cao su bản thép…
Metro Số 1 tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng, dài gần 20km, trong đó đi ngầm 2,6km, còn lại chạy trên cao. Toàn bộ dự án hiện đạt 82%, trong đó gói thầu CP2 đạt khoảng 91% khối lượng. Theo kế hoạch, dự án đưa vào khai thác cuối năm nay.
Theo Kinh tế & Đô thị
Ảnh: Gối cao su rơi ra ngoài khiến dầm cầu tại trụ P14-10 bị lệch.
Xem bài viết gốc tại đây: