Hà Nội chỉ số bụi mịn PM2.5 đang cao nhất trong năm

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, khu vực Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trong thời gian ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm không khí, bụi mịn PM2.5 cao nhất trong năm (từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau).

Do yếu tố thời tiết có sương mù, tập trung chủ yếu vào đêm và sáng sẽ khiến bụi mịn PM2.5 bị nén xuống tầng sát mặt đất, khó khuếch tán lên tầng cao hơn khiến chất lượng không khí ở mức không tốt cho sức khỏe.

Chỉ khi thời tiết có sự thay đổi, có mưa hoặc tốc độ gió tăng, giảm tình trạng sương mù… chất lượng không khí mới có thể cải thiện.

Lúc 8h ngày 5/3, theo ứng dụng của Tổng cục Môi trường VN Air, trong số 53 điểm quan trắc ở phía Bắc, chỉ có 3 điểm ở Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí (AQI) màu cam (103-110) là UBND phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), UBND xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm).

Website moitruongthudo.vn của UBND TP.Hà Nội cho thấy, 2 điểm quan trắc có chỉ số AQI màu cam là UBND phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm).

Ứng dụng AirVisual cho thấy, hầu hết chỉ số chất lượng không khí miền Bắc Việt Nam đều ở mức màu cam và đỏ, tuy nhiên chỉ số này chỉ ở mức phổ biến 151-155. Đã có 10 điểm màu xanh và hơn 20 điểm màu vàng.

Trong khi đó, ứng dụng PAM Air ghi nhận vẫn còn nhiều điểm quan trắc ở mức màu cam và đỏ, có 1 điểm ở mức tím là phường Minh Khai (thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn), đã có 5 điểm màu xanh và 22 điểm màu vàng.

Ô nhiễm chủ yếu là do bụi mịn PM2.5

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như ở các tỉnh miền Bắc được cơ quan chức năng xác định chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 – loại bụi có đường kính động học nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 micromet.

Vì kích thước siêu nhỏ, loại bụi này có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và đi trực tiếp vào máu. Nhiều nghiên cứu cho thấy, bụi PM2.5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi. Vì lẽ đó, giới chuyên gia gọi PM2.5 là “sát thủ”, là “tử thần” trong không khí, khiến ô nhiễm không khí trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới.

Các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tiếp xúc với các hạt mịn và tử vong sớm do bệnh tim và phổi. Bụi mịn cũng được biết là gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh mãn tính như hen suyễn, viêm phế quản và các vấn đề hô hấp khác.

PGS. TS Trần Hồng Côn, nguyên giảng viên Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho biết, bụi mịn PM2.5 tồn tại nhiều ở môi trường bên ngoài, trong khi đó con người hoạt động ở môi trường bên ngoài khá nhiều. Bụi mịn PM2.5 chủ yếu sinh ra từ khí thải từ phương tiện giao thông, khói nhà máy xí nghiệp, công trình xây dựng, đốt rác, đốt rơm rạ… Trong thành phố, mật độ giao thông cao, nhà cao tầng dày đặc chắn gió nên gây ra hiện tượng như “sương mù” ở Hà Nội.

Hà Lan – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Hà Nội chỉ số bụi mịn PM2.5 đang cao nhất trong năm. (Ảnh minh họa)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-chi-so-bui-min-pm25-dang-cao-nhat-trong-nam-53501.html