Thời gian qua, ở tỉnh Nghệ An đã có không ít cán bộ, công chức, người đứng đầu các ngành, địa phương bị khởi tố, bắt tạm giam, ra tòa lĩnh án hoặc chịu các hình thức kỷ luật về Đảng và chính quyền do liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).
Nhiều bài học đắt giá trong quản lý đất đai
Đầu năm 2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an Nghệ An) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng cùng trú tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.
Trong đó, có ông Lưu Quang Thượng, 67 tuổi, nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2014 và ông Trần Công Oanh, 61 tuổi, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Nghi Tiến từ năm 2005 đến năm 2014, Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến từ năm 2014 đến năm 2020.
Nguyên nhân là, trong thời gian đang công tác, 2 ông Thượng và Oanh đã cho chủ trương để ông Nguyễn Văn Hồng, 41 tuổi, nguyên là công chức địa chính xã này tiến hành lập khống hồ sơ đề nghị hỗ trợ diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do thiên tai và hồ sơ hỗ trợ thiệt hại cây trồng do mưa, lụt để rút tiền của ngân sách nhà nước hơn 805 triệu đồng.
Trong khi số tiền thực tế chi trả cho các hộ dân theo mức thiệt hại thực tế là khoảng 83 triệu đồng. Số tiền hơn 722 triệu đồng còn lại được sử dụng để chi tiêu cho các hoạt động khác mà không có chứng từ. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Hay sai phạm trong lập hồ sơ, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án như vụ việc ông Nguyễn Đình Hải, nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) và một số cán bộ bị kỷ luật do trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho Đại lộ 72m nối TP Vinh và thị xã Cửa Lò đi qua địa bàn. Khi thực hiện dự án này, UBND xã Nghi Phong đã tiến hành rà soát, cấp đổi, giao đất… cho các hộ dân liên quan bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp có đất bị ảnh hưởng từ dự án đã được chính quyền xã Nghi Phong xác định không đúng nguồn gốc sử dụng đất và biến động tăng, giảm diện tích đất đai để được cấp đổi GCN quyền sử dụng đất. Trách nhiệm thuộc về nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong Nguyễn Đình Hải và một số cán bộ liên quan.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, qua công tác thanh tra, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý 20.546m2 đất, trong đó kiến nghị thu hồi 1.404m2 đất. Kết quả đã thu hồi về cho Nhà nước 1.305/1.404m2 đất, đạt tỷ lệ 92,95%.
Những vụ việc nêu trên không chỉ là bài học đắt giá về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên đất đai, công sản mà còn là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, giáo dục, kiểm soát cán bộ, công chức.
Tăng cường quản lý, xử lý nghiêm vi phạm
Ngày 13/3/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 1359/UBND-NN về “kiểm tra, rà soát, tăng cường công tác quản lý đất đai” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp; UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, rà soát tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Đất đai bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng cán bộ quản lý các cấp, từng đối tượng sử dụng đất; thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả sử dụng đất giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Đồng thời, thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất các cấp đã được phê duyệt…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Nghệ An, công tác thu hồi tài sản từ sai phạm trong lĩnh vực đất đai gây ra gặp nhiều hạn chế.
Đất sau khi được bán, đổi hoặc giao trái thẩm quyền cho các hộ dân hầu hết đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc xây dựng các công trình có giá trị lớn để ở và định cư ổn định, canh tác lâu dài trên đất được giao.
Nếu phải thu hồi sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người dân nên việc thu hồi diện tích đất bị giao, bán trái quy định không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, mục đích của các bị can là cán bộ của xã, thôn khi thực hiện hành vi giao đất, bán đất, cho thuê đất… hầu hết sử dụng tiền thu vào việc xây dựng các công trình phúc lợi của thôn, xã, phục vụ dân sinh. Sau khi bị khởi tố, các bị can đã nộp tiền khắc phục nhưng đa số đều khó khăn về kinh tế, nên việc thu hồi tài sản trong các vụ án này thường khó thực hiện.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Ảnh: Một trong những thửa đất bị lãnh đạo xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) bán trái quy định. Ảnh tư liệu
Xem bài viết gốc tại đây:
https://suckhoedoisong.vn/nhieu-can-bo-bi-khoi-to-do-sai-pham-trong-quan-ly-dat-dai-n187620.html