Những ngày qua, người dân tổ 3, thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, H. Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) rất bức xúc về việc chính quyền địa phương và doanh nghiệp tổ chức san ủi mặt bằng để làm cụm công nghiệp, xây dựng nhà máy thép khiến nhà cửa, ruộng vườn bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng chính sách đền bù không thỏa đáng.
Vùi lấp nhà dân nhưng “chưa có căn cứ đền bù”
Trong đơn cầu cứu gửi cơ quan báo chí, đại diện các hộ dân cho biết: Vào cuối năm 2020, việc thi công san lấp lấy mặt bằng để phục vụ việc di dời nhà máy thép Việt- Pháp từ H. Điện Bàn (nay là thị xã) lên cụm công nghiệp thôn Hoa đã khiến nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, nương rẫy, ao hồ của người dân bị đất đá vùi lấp. Việc này đã khiến cuộc sống của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ lại càng thêm khó khăn, sinh kế bấp bênh. Khi được đại diện các hộ dân dẫn đến hiện trường, chúng tôi chứng kiến cả một quả núi cao tại khu vực lối vào Nhà máy xi-măng Xuân Thành đã bị bạt phẳng. Toàn bộ nhà cửa của 4 hộ dân dưới chân núi cùng đất canh tác, ao cá của 7 hộ dân khác xung quanh vị trí này bị vùi lấp sâu trong bùn đất, không thể khắc phục.
Suốt mấy tháng trời phải cùng 2 người con sống tạm tại nhà sinh hoạt cộng đồng cũ của thôn Hoa, bà Nguyễn Thị Toàn (51 tuổi) cho biết, cơn mưa lớn vào đêm 17-9-2020 khiến đất đá từ phía trên núi thuộc khu vực san ủi trước đó chảy ào xuống vùi lấp nhà bà. May mắn là trong đêm gia đình bà kịp tháo chạy nên thoát chết nhưng toàn bộ tài sản trong nhà đã bị nhấn chìm trong lớp đất đá. Ngoài bà Toàn, nhà của các hộ dân xung quanh cũng đã bị đất bùn bao trùm, vùi lấp từ 3- 4 m. Sau khi xảy ra sự việc, bà Toàn được bồi thường 56 triệu đồng nhưng quá ít để có thể mua đất, làm nhà. “Chúng tôi mong muốn được đền bù thỏa đáng để đủ điều kiện di dời, dựng lại nhà, ổn định cuộc sống. Chứ cầm từng đó tiền thì không làm được gì. Nhà tôi thuộc hộ nghèo, chồng tôi mất sớm, một mình phải nuôi con ăn học. Từ bữa đó đến nay, do không còn chỗ ở mẹ con phải dắt díu nhau xin sống tạm tại nhà sinh hoạt cộng đồng cũ của thôn”, bà Toàn cho biết.
Kể về sự cố đêm 17-9-2020, ông Nguyễn Trọng Quỳnh (57 tuổi, trú tổ 3, thôn Hoa) cho biết, từ trước đến nay bà con sống rất bình yên, mưa bão năm nào cũng có nhưng chưa bao giờ thấy cảnh lạ thường như thế này. Kể từ khi máy móc, bạt núi, san ủi làm mặt bằng, mưa lớn đất đá mới chảy ào xuống lấp nhà dân. “Xã và huyện thì đổ lỗi do thiên tai nhưng người dân ai cũng biết là do ảnh hưởng của việc san ủi mặt bằng phía trên để thi công nhà máy nữa. Cả thiên tai và nhân tai chứ không phải cái gì cũng đổ cho ông trời. Chúng tôi đã nhiều lần có đơn kiến nghị cả chính quyền và doanh nghiệp phải làm sao để đảm bảo cuộc sống, quyền lợi cho người dân nhưng đã gần nửa năm rồi vẫn chưa được giải quyết hợp tình hợp lý” ông Quỳnh bức xúc.
Theo ông Bnước Đạo, trưởng thôn Hoa, chính quyền thôn rất mong cơ quan chức năng sớm giải quyết các vướng mắc của người dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các hộ dân mất đất, mất nhà, sớm ổn định cuộc sống.
Chưa có phương án tái định cư, vẫn nơm nớp lo sợ
Từ những ngôi nhà của người dân bị đất bùn ngập tới nóc, chúng tôi đi ngược hướng lên hiện trường san ủi mặt bằng cụm công nghiệp và nơi dự kiến làm nhà máy thép. Theo ghi nhận, cả một quả núi lớn đã đã được san phẳng để lấy mặt bằng rộng hơn 20ha. Quan sát phía chân núi, bên cạnh các hộ dân bị vùi lấp là cả một khu vực rộng lớn với hàng chục hộ dân và tuyến giao thông huyết mạch QL14B. Các điểm sạt lở kéo dài xuống phía dưới hàng chục mét, nhiều vị trí bị xói lở nghiêm trọng, sẵn sàng trôi tụt nếu tiếp tục có mưa lớn kéo dài. Ngay cả khu vực đã được san lấp, do kết cấu chưa ổn định nên cũng xuất hiện những vết nứt lớn kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tạo ra dòng “suối bùn” như đêm kinh hoàng mà người dân đã chứng kiến. “Nếu chính quyền không có giải pháp sớm thì vào mùa mưa cả nhà dân cũng như đoạn quốc lộ 14B chạy qua phía dưới cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Mông Văn Quảng (62 tuổi) một người dân địa phương cảnh báo.
Theo lý giải của ông Thái Minh Hoàng- Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng H. Nam Giang, việc sạt lở vùi lấp nhà cửa, ruộng vườn của người dân do tác động của san ủi mặt bằng đúng dịp mưa bão lịch sử là điều ngoài tính toán, không ai mong muốn. Hiện nay huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan để phối hợp xử lý, hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho người dân. Trước mắt, chính quyền địa phương đã thực hiện hỗ trợ, bồi thường theo kê khai của người dân. Để có căn cứ bồi thường phải mất thời gian, phải đo đạc kiểm kê, tiến hành áp giá đền bù, niêm yết công khai theo quy định. Chính quyền cũng sẽ nghiên cứu di dời, giải tỏa khu vực này để đảm bảo sự an toàn cho người dân, nhưng sẽ khó khăn trong việc bố trí tái định cư do các hộ dân không có sổ đỏ hoặc chưa cung cấp hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc đất, nhà ở. “Để hài hòa quyền lợi, chúng tôi đang cố gắng nghiên cứu, tham mưu vận dụng tốt nhất các chính sách làm sao cho người dân đỡ thiệt thòi”, ông Hoàng trao đổi.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Toàn- Giám đốc BQL đất và đô thị H. Nam Giang cho hay, hiện tại Ban đã tiến hành hỗ trợ bồi thường với mức 70- 80% giá trị thiệt hại theo kê khai của người dân. Muốn xác định được thiệt hại cụ thể làm căn cứ lập hồ sơ bồi thường thì phải tiến hành đào, nạo vét đất đá, kiểm kê, định giá tài sản của dân. Còn ông Nguyễn Trọng Bình- Trưởng phòng TN- MT H. Nam Giang thì cho rằng, cái khó hiện này là người dân không cung cấp được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ nhà ở để lập hồ sơ đền bù, bố trí tái định cư. Nếu theo đúng quy định, muốn đền bù, thu hồi đất của các hộ dân thiệt hại tại tổ 3 thôn Hoa chuyển thành dự án riêng để bố trí tái định cư thì phải xin ý kiến của tỉnh. Việc này huyện đã thực hiện 2 năm nay nhưng hiện tại chưa được đồng ý. Ông Toàn cho biết, sắp tới sau khi san ủi mặt bằng xong, sẽ tiến hành làm bờ kè ở taluy âm theo dạng bậc thang để không xảy ra sạt lở tái diễn trong mùa mưa.
Theo Công An Đà Nẵng
Ảnh: Phía cao là hiện trường san ủi mặt bằng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở.
Xem bài viết gốc tại đây:
http://cadn.com.vn/news/75_239257_nha-dan-bi-nuot-chung-do-bat-nui-lam-mat-bang-xay-.aspx