TP.HCM bán đấu giá đất ven đường mới mở: Điều nên làm từ lâu để tạo công bằng

Theo ông Lê Hoàng Châu, việc thu hồi, đấu giá đất ven đường mới để thu chênh lệch địa tô là điều nên làm từ rất lâu nhằm tạo sự công bằng và kinh doanh minh bạch.

Trưa 22/2, trả lời VTC News, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có những đánh giá liên quan đến phương án thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới mở vừa được UBND TP.HCM phê duyệt.

Theo đề án “Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả” vừa được UBND TP.HCM phê duyệt, trong thời gian tới thành phố sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng rộng hơn phạm vi dự án để bán đấu giá, người dân trong diện giải tỏa sẽ được tái định cư tại chỗ.

Người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ với diện tích đất nhỏ hơn, tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. (Ảnh: Thy Huệ)

Phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số người dân đồng ý (khoảng 2/3) thì phương án sẽ được phê duyệt. Đối với thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn: hoặc chấp thuận phương án hoặc bị Nhà nước thu hồi đất.

Theo ông Lê Hoàng Châu, đây là phương án đúng đắn, nên làm từ rất lâu bởi tái định cư tại chỗ sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho người bị thu hồi đất khi bù đắp được quyền lợi và có giá trị gia tăng khi dự án được đầu tư. Song, “những kinh nghiệm không đúng của thành phố” đã để lại những bài học rõ ràng trên các tuyến đường lớn.

Cụ thể, tại những tuyến đường lớn như: Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Trường Sa… trước đây Nhà nước không thu hồi đất rộng ra để đấu giá mà chỉ thu hồi đất ngay tại vị trí để làm đường. Vì vậy, sau khi giải tỏa người hưởng lợi không phải Nhà nước, cũng không phải những người bị thu hồi mà là những người có đất trong rốn khu vực, trong hẻm bỗng trở thành mặt tiền.

Tương tự, dự án mở rộng tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi với tổng mức đầu tư lên tới hơn 1.100 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 800 tỷ đồng, chi phí làm đường chỉ chiếm khoảng 300 tỷ đồng.

Dự án mở rộng Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), mở rộng hai lần. Lần thứ nhất, những nhà trong hẻm trở thành nhà mặt tiền, còn những nhà mặt tiền nhận bồi thường từ Nhà nước. Khi mở rộng lần thứ 2, những nhà trong hẻm này tiếp tục được Nhà nước bồi thường với giá mặt tiền.

“Nhà nước không hề được hưởng lợi gì dù chính Nhà nước là đối tượng bỏ tiền ra làm đường, người bị thu hồi đất ban đầu cũng không được hưởng lợi. Hưởng lợi ở đây chính là những người nắm rõ quy hoạch hoặc là những người trong hẻm tự dưng biến thành mặt tiền – những đối tượng này không phải đóng thêm bất kỳ một khoản thuế, phí nào. Rõ ràng đây là những kinh nghiệm không thành công của thành phố”, ông Châu nhấn mạnh.

Đối với quỹ đất dôi dư khi làm xong hạ tầng, tái định cư, ông Châu cho rằng cần đấu giá công khai, đấu thầu đất để lựa chọn chủ đầu tư mới đảm bảo được quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

“Những điều này chúng tôi đã nhận ra từ rất lâu, từ 15 năm về trước, không riêng TP.HCM mà tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều nên áp dụng. Chúng tôi đã có đề xuất và được đưa vào luật Quy hoạch đô thị và luật Đất đai 2013.

Luật Quy hoạch đô thị đã nói rõ, thu hồi đất ven đường để đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư, thu hồi nguồn thu đó cho ngân sách Nhà nước để thực hiện dự án hạ tầng khác là hoàn toàn đúng. Đây là cách tạo sự công bằng, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và tạo quỹ đất để thực hiện dự án tốt nhất”, ông Châu khẳng định.

Thy Huệ – Báo VTC News

Theo VTC News

Ảnh: Phạm Văn Đồng là một trong những tuyến đường lớn mà Nhà nước không thu hồi đất rộng ra để đấu giá, gây nhiều bất cập trong công tác đền bù.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vtc.vn/tp-hcm-ban-dau-gia-dat-ven-duong-moi-mo-dieu-nen-lam-tu-lau-de-tao-cong-bang-ar597415.html