Sau 10 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (2011-2021), Thành nhà Hồ đã bảo tồn phát huy giá trị vốn có, thực hiện nhiều cuộc khai quật và đã tìm thấy nhiều cứ liệu quý, góp phần rất lớn cho việc trùng tu, tôn tạo tòa thành đá độc nhất vô nhị này.
Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27-6-2011, Thành nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, Thành nhà Hồ được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm di sản thế giới Thành nhà Hồ, cho biết kể từ ngày trở thành di sản thế giới, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện cam kết chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ với Ủy ban Di sản Thế giới, đơn vị đã nỗ lực hết mình quản lý, phát huy có hiệu quả di sản độc đáo này.
Theo đó, ngay từ những ngày đầu, trung tâm đã bắt tay vào việc di dời 31 hộ dân nằm trong vùng di sản ra khu vực tái định cư; cải tạo, nâng cấp tuyến đường trong khu vực công trường khai thác đá cổ núi An Tôn giúp du khách tới tham quan được thuận lợi; xây dựng Quy hoạch tổng thể cấp Quốc gia bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản và các di tích phụ cận…
“Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho việc quản lý, đầu tư xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị di tích theo đúng cam kết với UNESCO; đồng thời có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch Thành nhà Hồ, du lịch Thanh Hóa; gắn kết Thanh Hóa với thế giới để bạn bè, du khách, nhà đầu tư đến với Thanh Hóa, tạo cơ hội để Thanh Hóa khơi dậy, khai thác, phát triển tiềm năng, thế mạnh, thu hút tối đa nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho sự phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch”- ông Linh chia sẻ.
Trong giai đoạn từ năm 2011-2021, Thành nhà Hồ đã tập trung ưu tiên, đặc biệt là công tác nghiên cứu, khai quật các điểm di tích ở Thành Nội, Hào thành, đàn tế Nam Giao… Từ những cuộc khai quật này, các nhà khoa học, nhà sử học đã phát hiện, tìm thấy được nhiều cứ liệu quan trọng, giúp làm rõ được kỹ thuật xây dựng Thành nhà Hồ, qua đó giúp ích rất lớn cho việc trùng tu lại di sản thế giới đang bị xuống cấp ở nhiều nơi.
Cụ thể, Trung tâm di sản Thành nhà Hồ đã phối hợp thực hiện các cuộc khai quật như: Đường Hoàng Gia (trước cửa Nam); công trường khai thác đá cổ núi An Tôn (xã Vĩnh Yên); di tích Gò Ngục (xã Vĩnh Tiến) và Cồn Mả (xã Vĩnh Long), đàn tế Nam Giao, Hào thành, tường thành phía Bắc, nội thành… Đáng chú ý, trong các cuộc khai quật hào thành 4 phía (Đông, Tây, Nam, Bắc), các nhà khoa học đã tìm thấy những cứ liệu khoa học về kích thước, kết cấu, chức năng, sự tồn tại và vai trò của Hào thành trong lịch sử hình thành tồn tại và phát triển của Thành nhà Hồ.
Đặc biệt, tại cuộc khai quật tường thành phía Bắc vào năm 2018 nhằm mục đích tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật gia cố lớp đất đắp trên tường thành, lớp móng gia cố và nền gia cố chân thành, các nhà khoa học đã tìm thấy được nhiều cứ liệu quan trọng, phần nào giải mã được kỹ thuật xây thành tồn tại hơn 600 năm qua, đồng thời cung cấp nguồn tư liệu quý cho việc trùng tu lại khu vực tường thành phía Bắc và làm rõ được cấu trúc gia cố thành đất bên trong thân tường đá.
Mặc dù việc bảo tồn, phát huy tiềm năng di sản thế giới Thành nhà Hồ đã có những bước tiến quan trọng, tuy nhiên trong 10 năm qua, việc đầu tư kinh phí cho di sản này vẫn chưa tương xứng, còn chậm.
Vì thế, để di sản được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết tới, trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nữa, theo ông Nguyễn Bá Linh, Thành nhà Hồ cần được tỉnh Thanh Hóa, các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vốn đã xuống cấp, thực hiện thêm nhiều cuộc khảo cổ tầm cỡ, quy mô lớn nhằm không chỉ làm rõ quá trình xây dựng thành đá, mà còn làm rõ thêm việc hình thành, tồn tại của hoàng cung, các công trình kiến trúc bên trong thành – kinh đô nước Việt dưới triều Hồ đã từng tồn tại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Theo Người Lao Động
Ảnh: Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ
Xem bài viết gốc tại đây: