Chuyện chưa kể về Cát Linh – Hà Đông: ‘Ngóng’ nhân sự thời COVID-19

Đằng sau sự kiện đường sắt Cát Linh – Hà Đông hoàn thành vận thử toàn hệ thống là những câu chuyện không phải ai cũng biết.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang đi vào giai đoạn cuối. Cuối tháng 3, dự án này sẽ được bàn giao cho Hà Nội. Còn nhớ, những ngày COVID-19 mới xuất hiện và bùng phát, công tác đưa đón, chờ đợi nhân sự của dự án là một trong những khó khăn lớn nhất mà các cơ quan chức năng đối mặt.

Theo đó, trước Tết Nguyên đán năm 2020, đội ngũ nhân sự của tổng thầu Trung Quốc về nước ăn Tết, dự kiến sau Tết trở lại để thực hiện kế hoạch vận hành thử toàn hệ thống. Thế nhưng, sau Tết, chỉ có giám đốc dự án và 3 người khác trở lại, trong khi hơn 100 nhân sự khác chưa biết ngày nào sang được do vướng dịch bệnh. Các chuyên gia người Pháp cũng không ai dám chắc khi nào họ mới sang được Việt Nam để vận hành thử dự án.

Đến tháng 4-5/2020, tình hình còn căng thẳng hơn khi đại dịch bùng phát khắp các nước nên việc khi nào chuyên gia, kỹ sư nước ngoài sang được vẫn là câu hỏi lớn. Khó khăn lớn nhất là số lượng chuyên gia lên tới hơn 100 người nên phải có nơi cách ly y tế vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch của Bộ Y tế vừa thuận lợi cho tổng thầu, đơn vị tư vấn.

Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), dự án được chấp thuận chủ trương đón nhân sự trở lại, nhưng tìm được khách sạn để tổ chức cho chuyên gia sang và cách ly y tế trong thời điểm trên rất khó khăn, lại thêm vấn đề chi phí nữa. Nghĩ đi nghĩ lại, các cán bộ tham mưu Ban Quản lý dự án đề xuất Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức cách ly y tế ngay tại Depot đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đề xuất trên được các cơ quan chức năng chấp thuận. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đến kiểm tra và đánh giá điều kiện thực tế, cách thức tổ chức khu cách ly này tốt hơn cả một số khách sạn.

Đáng nhớ nhất là ngày 12/6/2020, Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đón 28 nhân sự của tổng thầu Trung Quốc từ cửa khẩu quốc tế Lào Cai để đưa về khu cách ly y tế tại Depot. Ngày đón đợt chuyên gia đầu tiên cũng là ngày Hà Nội có quyết định chấp thuận tổ chức khu cách ly y tế tại Depot. Khi đón họ sang, nhiều nhân sự trong Ban QLDA trực tiếp đi cùng Sở Y tế Hà Nội đến cửa khẩu để hỗ trợ làm thủ tục, giám sát và đưa chuyên gia về khu cách ly.

Khu vực cách ly y tế tại Depot được tổ chức theo đúng tiêu chuẩn của khu vực và có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng quận Hà Đông. Trong thời gian cách ly, nhân sự nước ngoài không được phép ra ngoài hiện trường để làm việc song có thể trao đổi điện thoại, email, nghiên cứu trước hồ sơ để thuận lợi hơn khi trở lại làm việc sau khi hết thời gian cách ly.

Những đợt tiếp theo, nhân sự của tổng thầu, tư vấn giám sát đều sang bằng đường bộ qua cửa khẩu Lào Cai, lần nhiều nhất hơn 30 người, còn lại có 2-7 người. Các đợt đón phụ thuộc kế hoạch của tổng thầu, lần cuối là 6/1/2021, với tổng số 125 nhân sự Trung Quốc. Lần nào Phòng Dự án 2, Ban Quản lý dự án đường sắt cũng cử người đi đón, giám sát nhân sự dự án từ cửa khẩu cho đến khi bàn giao cho tổ quản lý khu cách ly của quận Hà Đông.

Nhân sự của tổng thầu khi trở lại dự án phải xét nghiệm máu 3 lần, một lần tại Trung Quốc, một cửa khẩu và tại khu cách ly tại Depot. Công tác quản lý khu cách ly được các cơ quan chức năng của Hà Đông thực hiện đúng quy định, không xảy ra bất cứ sự cố nào.

Đối với chuyên gia Pháp, theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt, 6 chuyên gia của Tư vấn ACT trở lại dự án bằng đường hàng không. Vì vậy, Ban Quản lý dự án chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ làm thủ tục, đón, đưa về cách ly tại khách sạn trên địa bàn Hà Nội đảm bảo đúng quy trình cách ly phòng chống dịch bệnh, góp phần đảm bảo tiến độ triển khai dự án.

Mới đây nhất, trả lời câu hỏi về thời gian khai thác thương mại đối với đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tuyến đường sắt này đã được chạy đánh giá độ an toàn. Đến nay, đã nhận được dự thảo báo cáo, khuyến cáo về an toàn hệ thống thiết bị, nhà thầu làm rõ, bổ sung thêm một số giải pháp. Đồng thời đảm bảo tuân thủ thực hiện cũng như diễn tập cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đông, vẫn phải có đào tạo thêm nghiệp vụ đối với nhân viên và bên Hà Nội đang thực hiện. Đại diện Bộ GTVT cũng cho biết, đã nghiệm thu cơ sở và phải có khắc phục, hoàn chỉnh theo quy định cho phép, đồng thời kiểm đếm về tài sản, như vậy sau này khi bàn giao sẽ thuận lợi.

Theo ông Đông, việc bàn giao không thể thực hiện trong 1 ngày, hay 1 tuần và đến cuối tháng 3 tới sẽ tiến hành bàn giao.

Chia sẻ với VTC News, Ông Vũ Hồng Trường, cho biết, sau 20 ngày vận hành thử, các đơn vị thực hiện đã hoàn thành đúng đủ toàn bộ nội dung theo đề cương. Tỷ lệ đúng giờ và chuyến/lượt đã đạt 99,6% đến 99,8%, bảo đảm hơn 70 nghìn km vận hành an toàn. Về nhân lực đã vào đúng các vị trí của dự án, theo đánh giá chung thì đã thực hiện vận hành tốt trong các điều kiện bình thường và có thể xử lý, khắc phục được các lỗi đơn giản. Tuy nhiên, các vấn đề kỹ thuật lớn vẫn cần có sự hỗ trợ của chuyên gia hướng dẫn. Do đó, sau khi Hà Nội tiếp nhận, các chuyên gia tiếp tục hỗ trợ cùng vận hành trong một năm.

Đào Bích – Báo VTC News

Theo VTC News

Ảnh: Theo kế hoạch, dự án Cát Linh – Hà Đông sẽ được bàn giao cho Thành phố Hà Nội trước ngày 31/3/2021.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vtc.vn/chuyen-chua-ke-ve-cat-linh-ha-dong-ngong-nhan-su-thoi-covid-19-ar594256.html