Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ hình thành và phát triển tối thiểu 10 sản phẩm quốc gia mới cho Việt Nam.
Đây sẽ là những sản phẩm được tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, công nghiệp thông tin, viễn thông, điện tử và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp chủ lực quốc gia; quốc phòng và an ninh; dược, y tế và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ tập trung đầu tư vào các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phục vụ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các sản phẩm khác theo yêu cầu của Chính phủ.
Tiêu chí lựa chọn sản phẩm của Chương trình là phải được sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, có khả năng đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; có thể sản xuất trên quy mô lớn, có giá trị gia tăng và có khả năng cạnh tranh cao, có khả năng thay thế hàng hóa nhập khẩu hoặc mang lại giá trị xuất khẩu, có tác động lan tỏa; phát huy được các lợi thế về nhân lực tài nguyên và điều kiện tự nhiên của Việt Nam, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực. Như vậy những tiêu chí của Chương trình lần này không khác so với tiêu chí đặt ra vào năm 2010 của Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Điểm kết nối giữa hai thời kỳ thực hiện Chương trình còn thể hiện ở sự tương đồng về nội dung các điểm quan trọng giúp đạt mục tiêu hình thành tối thiểu 10 sản phẩm quốc gia như: triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu làm chủ công nghệ tiên tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hỗ trợ việc hình thành sản phẩm; lựa chọn nhập khẩu công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, nghiên cứu thử nghiệm, giải mã, làm chủ và cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam; đấy mạnh hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề KH&CN trong nước, hình thành các nhóm nghiên cứu có khả năng làm chủ, hoàn thiện và sáng tạo công nghệ mới phù hợp với mục tiêu.
Tuy vậy, trong giai đoạn mới, Chương trình thể hiện rõ quyết tâm thông qua việc ưu tiên, bố trí đủ kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, kinh phí tìm kiếm thông tin, mua quyền sở hữu, sử dụng và bí quyết công nghệ, thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài hỗ trợ phát triển sản phẩm.
Hướng đến các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới, Chương trình đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ xây dựng triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị, phát triển các dịch vụ tư vấn xây dựng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu Việt Nam, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và các hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế…
Để đảm bảo các mục tiêu và nội dung đề ra, Bộ KH&CN được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, trong đó có bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia và báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Trong Chương trình trước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt sáu sản phẩm chính thức và ba sản phẩm dự bị.
Anh Vũ (Tổng hợp)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Vaccine dành cho người và vật nuôi là những sản phẩm thuộc chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Nguồn: Vabiotech