Để xảy ra những vụ việc vi phạm trật tự xây dựng, ngoài khó khăn trong công tác quản lý còn là trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo của cơ quan chức năng có liên quan.
Trong năm 2020, nhiều địa phương như TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã xảy ra các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng, có những vụ việc quy mô lớn, kéo dài nhiều năm chưa xử lý dứt điểm.
Vi phạm xây dựng vẫn “nóng”
Câu chuyện “vi phạm trật tự xây dựng” không còn mới, nhưng có lẽ chưa bao giờ vấn đề này lại nóng như trong năm 2020. Hàng loạt vi phạm trật tự xây dựng bị phanh phui, cho thấy sự phức tạp và nan giải trong xử lý việc “con voi chui lọt lỗ kim”. Điển hình, trong năm 2020, TPHCM phát hiện 1.006 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, huyện ngoại thành Bình Chánh là địa bàn nổi cộm với hàng loạt vi phạm liên quan đến xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền đất nông nghiệp khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Điển hình như công trình xây dựng khu nhà hàng trái phép có diện tích 13.000m2 Hường Dừa cũ; hay dự án Khu dân cư, Trung tâm thương mại Amazing City tại xã Tân Nhựt.
Không chỉ ở TPHCM, vi phạm trật tự xây dựng còn là vấn đề nan giải ở cả Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai. Theo thống kê, trong năm 2020, TP Vũng Tàu có 400 vụ vi phạm trật tự xây dựng. Đáng nói là, trong các vụ vi phạm ở thành phố biển Vũng Tàu, có đối tượng xây nhà hàng mang tên Du Sơn còn ngang nhiên xây đường bê tông dài hơn 1.000m, lấn cả đất rừng phòng hộ. Còn ở Đồng Nai thì lạ hơn khi cả một công trình mang tên “Khu phức hợp thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp” nằm ngay trung tâm TP Biên Hòa rộng hàng ngàn héc ta, không cần cấp phép xây dựng, không cần các căn cứ pháp lý liên quan vẫn ngang nhiên hoàn thiện và đã đi vào hoạt động một phần.
Lý giải cho các vi phạm trên, chính quyền huyện Bình Chánh, TPHCM cho rằng, trách nhiệm phát hiện sai phạm là của cấp cơ sở, còn huyện chủ yếu là giám sát thông qua phần mềm, chứ không đi nổi thực tế. Còn theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu thì, sai phạm trật tự xây dựng tồn tại là bởi thái độ xem thường pháp luật của đối tượng vi phạm, cùng với đó là sự cả nể của chính quyền địa phương: “Phường, xã nào hay cán bộ nào của thành phố để xảy ra vi phạm đều phải bị xử lý. Đối với những đơn vị quản lý tốt thì khen thưởng, động viên để tạo động lực cho anh em làm việc”.
Cần có biện pháp quyết liệt
Có thể thấy rằng, vi phạm trật tự xây dựng như cái “ung nhọt” trong quản lý đô thị, gây nhức nhối bấy lâu nay. Quy mô vi phạm ngày càng trương phình, nguyên nhân là do lực lượng chức năng buông lỏng; quy định của pháp luật xử lý chưa nghiêm.
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, cần phân cấp mạnh công tác quản lý và xử lý vi phạm trật tự xây dựng cho UBND các quận, huyện để giải quyết dứt điểm các nhóm công việc đã được phân nhóm: “Cấp quận huyện quản lý tình hình xây dựng không phép, có cấp sở ngành quản lý nội dung này. Tăng cường công tác kiểm tra và phát hiện, xử lý ngay từ đầu. Không để sự việc xảy ra rồi, lại phải thực hiện các quyết định xử phạt. Làm xây dựng, làm dự án mà không có thực tiễn, không hiểu ở dưới đang làm gì thì không thể thực hiện được”.
Ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, những sai phạm về xây dựng, tài nguyên đất đai kéo dài, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền: “Để tình trạng này không diễn ra trong năm 2021 thì chúng tôi sẽ xử lý triệt để để lập lại trật tự quản lý xây dựng trên toàn địa bàn. Thứ hai nữa là chúng tôi muốn lấy lại niềm tin của quần chúng nhân dân, của đảng viên toàn Đảng bộ về việc quyết tâm của thành phố Vũng Tàu trong việc lập lại quản lý trật tự xây dựng”.
Theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu TPHCM, cần phải xem xét mức độ từng hành vi mà sử dụng biện pháp cứng rắn nhất, đó là khởi tố vụ án hình sự. Chỉ có cách đó mới có tính răn đe cao, vì hiện nay các cơ quan như: Công an, giao thông, xây dựng, tài nguyên môi trường còn thiếu sự kết hợp: “Cải cách và chấn chỉnh lại các lực lượng thi hành công tác hành chính nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có đội ngũ Thanh tra xây dựng, và trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương. Phường xã, quận huyện là sát sườn nhất với người dân, đất đai trên địa bàn. Cần chấn chỉnh lại cơ chế này, trong đó bao gồm cả lực lượng công an để có sự phối hợp”.
Cùng với sự phát triển của các đô thị là nhu cầu rất lớn về xây dựng, đòi hỏi công tác quản lý, giám sát chặt chẽ, nghiêm minh. Trách nhiệm lớn nhất nằm ở từng cán bộ, lãnh đạo làm công tác này. Do vậy, các các cấp chính quyền cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn, có như vậy mới không còn tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”.
Theo VOV.VN
Ảnh: Huyện Bình Chánh, TPHCM xử lý một công trình vi phạm trật tự xây dựng quy mô lớn.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vov.vn/phap-luat/nhuc-nhoi-tinh-trang-vi-pham-trat-tu-xay-dung-tai-dong-nam-bo-835643.vov