Cùng với xu hướng của cuộc sống hiện đại, vào các dịp nghỉ lễ, Tết người dân Thủ đô trong những năm gần đây đã thiên về chơi nhiều hơn.
Tuy vậy, việc xây dựng các khu công viên, tổ hợp vui chơi giải trí quy mô lớn, hiện đại phục vụ đời sống tinh thần của người dân hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu.
Chưa đáp ứng đủ nhu cầu
Những năm gần đây, ở các thành phố lớn trong đó có Hà Nội, giới trẻ thường có xu hướng chọn chơi Tết. Được nghỉ dài ngày, có thời gian để xả stress sau một năm làm việc bận rộn, căng thẳng nhưng trên địa bàn thành phố người ta lại ít thấy những công trình vui chơi, đáp ứng nhu cầu giải trí hiện đại đưa vào phục vụ người dân. Hà Nội hiện có Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn là hai khu vui chơi giải trí tổng hợp ngoài trời, có những trò chơi vận động tương đối hiện đại.
Tuy nhiên, các loại hình dịch vụ giải trí tại Công viên Thiên Đường Bảo Sơn so với các khu vui chơi như Vinpearl Land (Nha Trang), Fantasy Park trong khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng) hay Đại Nam (Bình Dương)… thì quy mô vẫn còn quá nhỏ. Công viên nước Hồ Tây được xây dựng từ lâu nên đã lỗi thời, xuống cấp và chủ yếu phục vụ vào mùa Hè.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giải trí Hà Nội Nghiêm Hồng Hạnh, mở cửa từ năm 2000 đến nay, sau 20 năm hoạt động, một số hạng mục của Công viên Hồ Tây đã không còn đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí ngày một cao của du khách. Hiện công viên đang tiếp tục nâng cấp trang thiết bị, đồng thời từng bước cập nhật các xu hướng vui chơi giải trí hiện đại.
Chính vì thiếu chỗ vui chơi, vào những năm trước khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, nhiều người Hà Nội đã chọn cách đi du lịch ở các tỉnh, thành khác hoặc ra nước ngoài. Rồi vào các dịp nghỉ lễ trong năm, nhiều câu chuyện buồn do hệ lụy của việc thiếu chỗ chơi cũng đã xảy ra với người dân đô thị. Nhất là sau sự việc một học sinh của trường THPT Đông Anh tử vong và 2 học sinh khác bị thương trong khi chơi trò tàu lượn tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), nhiều người đặt ra câu hỏi liệu rằng nguyên nhân sâu xa có phải do Hà Nội đang quá thiếu những khu vui chơi hiện đại, an toàn dành cho giới trẻ.
Có quá ít địa điểm để đưa các em đi trải nghiệm thực tế nên nhiều gia đình, nhà trường đã phải lựa chọn đưa con em mình đến những khu vui chơi có trò chơi mạo hiểm, nguy cơ rủi ro đối với tính mạng, sức khỏe, nhưng được thiết kế, lắp đặt không theo quy chuẩn nghiêm ngặt cần có. Trước đây, Công viên Thống Nhất và Vườn thú Thủ Lệ từng là địa chỉ hấp dẫn của thiếu nhi, không chỉ thu hút các em nhỏ của Hà Nội mà vào mỗi dịp lễ, Tết còn đón tiếp rất nhiều trẻ em ở khắp các địa phương khác về tham quan, vui chơi. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, những trò chơi đơn điệu, cũ kỹ trong các công viên đã không còn đủ sức hấp dẫn giới trẻ.
Một thực tế nữa đáng buồn là nhiều điểm vui chơi hiện có lại rơi vào cảnh hoang tàn. Ngoài tình trạng xuống cấp, hư hỏng, không an toàn cho trẻ em, các điểm vui chơi này cũng đã bị chuyển đổi mục đích, mất đi ý nghĩa ban đầu. Công viên Tuổi trẻ nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng là một ví dụ điển hình. Công viên này có hàng chục hécta thuộc khu đất vàng giữa lòng Hà Nội, từng là 1 trong 9 công trình trọng điểm của Thủ đô. Nay quang cảnh công viên đang thành nỗi xót xa với người dân Hà Nội khi bị băm xẻ thành nhiều điểm dịch vụ kiếm lời, còn các hạng mục vui chơi thì đều hư hỏng nặng và thành phế tích.
Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, công viên rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc” là do chưa có đầu mối quản lý. Trước đây, UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội bàn giao cho Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội quản lý. Tuy nhiên, Công ty Cây xanh không nhận bàn giao mà chỉ nhận phần chăm sóc cây xanh ở đây.
Kêu gọi đầu tư hiện thực hóa quy hoạch
Đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, chủ trương xây dựng các công viên đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nằm trong mạng lưới quy hoạch công viên, vườn hoa của thành phố. Cụ thể, từ năm 2014, TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu toàn khu vực nội đô có 60 công viên, vườn hoa đô thị (trong đó có 18 công viên, vườn hoa xây mới, cải tạo, nâng cấp 42 công viên, vườn hoa hiện có).
Để cụ thể hóa quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết một số công viên hiện đại đã được Thành phố chỉ đạo triển khai và kêu gọi đầu tư. Vào tháng 4/2020, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đồng bộ khu Công viên nước Hồ Tây và Công viên Mặt Trời Mới. Mục tiêu nhằm phát huy giá trị cảnh quan khu đất giáp hồ Tây, tạo điểm nhấn, điểm đến văn hóa, văn minh, hiện đại và ấn tượng với du khách. Hay, Thành phố đã cho lập quy hoạch chi tiết 44,4ha đất tại phường Quảng An, Tây Hồ với chức năng chính là công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật với một nhà hát quy mô, hiện đại.
Bên cạnh những dự án xã hội hóa, nhiều địa phương cũng muốn chủ động triển khai xây dựng các công viên tầm cỡ phục vụ người dân. Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam cho biết, quận Long Biên có vị trí địa lý quan trọng phía Đông Bắc Thủ đô, tốc độ đô thị hóa nhanh.
Tuy nhiên, trên địa bàn chưa có điểm vui chơi, giải trí phục vụ cộng đồng dân cư trong khu vực và vùng lân cận. Do đó, mới đây tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, quận đã đề nghị thanh phố cho thực hiện xây dựng công viên chuyên đề tại ô quy hoạch C.6/CXTP, với diện tích 42,37ha bằng nguồn vốn ngân sách của quận.
Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia quy hoạch phát triển đô thị cho rằng, từ lâu Hà Nội luôn quan tâm đến việc xây dựng các khu vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những sân chơi trên địa bàn Thành phố vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu người dân và du khách và chưa xây dựng được một khu vui chơi, giải trí ngang tầm khu vực.
Theo nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam – GS KTS. Nguyễn Lân, quy hoạch dù đã có nhưng do chủ đầu tư thiếu vốn hoặc một nguyên nhân nào đó nên nhiều dự án công viên long đong mãi nhiều năm trời vẫn chưa thực hiện được. Hà Nội nên sớm kêu gọi nhà đầu tư lớn xây dựng một công viên kiểu như Disneyland Resort (California Mỹ), DreamWord (Golden Coast, Australia), Everland (Hàn Quốc), Disneyland (Paris, Pháp)… Bởi những điểm đến này không chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí hàng ngày mà còn góp phần không nhỏ vào việc thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Thủ đô.
“Trong khi chờ đợi hiện thực hóa giấc mơ công viên chuẩn quốc tế, Hà Nội vẫn đang thiếu các vườn hoa, các công viên mở cho dân cư. Do đó, trước mắt Thành phố nên tập trung vào việc cải tạo, đầu tư xây dựng các công viên hiện có theo hướng công viên mở, trở thành không gian công cộng cho mọi người nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập. Ngoài ra, cần yêu cầu các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở quản lý chặt các khu vui chơi, không để bỏ bê như hiện nay.” – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam Phạm Thanh Tùng |
Theo Kinh tế & Đô thị
Ảnh: Công viên Tuổi trẻ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nhiều năm nay rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Ảnh: Thùy Anh
Xem bài viết gốc tại đây:
http://kinhtedothi.vn/ha-noi-van-thieu-san-choi-cong-cong-409317.html