UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP giai đoạn 2020 – 2030.
Theo đó, TP đặt ra chỉ tiêu trong giai đoạn 2020 – 2025 tăng thêm tối thiểu 150 ha đất công viên công cộng. Diện tích công viên trên đầu người tăng 0,65 m2/người.
26 công viên mới tại TP Thủ Đức
Riêng giai đoạn 2026 – 2030, đất công viên phấn đấu đạt bình quân đầu người 1m2/người (tăng 450 ha đất công viên so với năm 2020 và dân số ước tính 11 triệu người). Tất cả các dự án khu nhà ở trên địa bàn TP đều được đầu tư hoàn chỉnh công viên, cây xanh. Tăng thêm 10 ha mảng xanh công cộng. Trồng mới và cải tạo khoảng trên 50.000 cây xanh.
Để đạt được mục tiêu này, TP sẽ rà soát các khu đất được quy hoạch công viên trong các đồ án 1/5.000, 1/2.000. Tùy tính chất từng khu đất, chính quyền sẽ lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, các khu đất được quy hoạch công viên đang được cho thuê, sử dụng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi để làm công trình công cộng phục vụ người dân. Những nhà xưởng trong khu dân cư sẽ được di dời để dành quỹ đất cho công viên cây xanh.
Tổng diện tích đất quy hoạch cho công viên cây xanh toàn TP là hơn 11.400 ha, tương ứng 7 m2/người. Tuy nhiên, diện tích công viên trên thực tế chỉ khoảng 500 ha, tỷ lệ 0,55 m2/người. TP có 405 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu ở, hơn 235.000 cây xanh. Hiện, các quận nội thành có diện tích công viên lớn hơn các quận, huyện ngoại thành. TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh không có công viên diện tích lớn.
Theo đề xuất của Sở Xây dựng TPHCM, năm 2021 TP dự kiến sẽ có 7 công viên và 5 mảng xanh quy mô lớn trong năm đầu tiên thực hiện chương trình. Cụ thể, 7 công viên mới với tổng diện tích hơn 122.000 m2 tại quận 7, 9, 12, Tân Bình và huyện Hóc Môn, Cần Giờ.
Tổng diện tích công viên sẽ hình thành trong năm nay ở TP là 10 ha, bao gồm 6.000 cây xanh được cải tạo, trồng mới. TP sẽ ưu tiên đầu tư 26 công viên tại TP Thủ Đức. Trong đó, 24 công viên ở quận 9 cũ và 2 công viên thuộc địa phận quận Thủ Đức trước đây. Các quận khác ở TP dự kiến có thêm gần chục công viên mới.
Theo ông Nguyễn Thiên La, Giám đốc Công ty Bất động sản Hà Thiên (quận Gò Vấp), để đạt mục tiêu đưa ra, TP cần có một nguồn vốn dành riêng cho việc phát triển công viên. Đặt mục tiêu mỗi năm phát triển tối thiểu 10 – 20 ha đất công viên. Đối với những công viên công cộng kêu gọi xã hội hóa, cần quy hoạch việc xây dựng xen cài các loại hình khai thác phù hợp với công viên như khu vui chơi có thu phí, khu vực triển lãm, trưng bày hoa cảnh, cảnh quan chuyên đề.
Thực tế triển khai có dễ?
Thực tế, mảng xanh công cộng tại TPHCM khá ít, phân bổ không đồng đều. Nhiều nơi còn bị “xẻ thịt” cho thuê, làm các công trình xây dựng kiên cố. Bởi thế, mục tiêu tăng thêm 450 ha đất công viên khiến nhiều người quan ngại. Tuy nhiên, theo ông Lê Hòa Bình – Giám đốc Sở Xây dựng, mục tiêu trên là nằm trong tính toán. Bởi thực tế những công viên có diện tích lớn đều đang nằm ở các quận trung tâm. Trong khi đó, ngoại thành thì rất ít công viên có diện tích lớn dù quỹ đất quy hoạch công viên còn rất nhiều.
Do đó, để thực hiện các mục tiêu nêu trên, TP đề ra một số nhóm giải pháp phát triển công viên trên địa bàn TP. Trong đó, đối với các khu đất được quy hoạch công viên trong các đồ án quy hoạch các cấp (1/5.000, 1/2.000) sẽ thực hiện rà soát, lập danh mục, cập nhật về nguồn gốc toàn bộ các khu đất. Theo đó, tùy theo tính chất của từng khu đất sẽ đề xuất việc lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư.
TP cũng sẽ rà soát, thu hồi việc sử dụng, cho thuê đất công được quy hoạch là đất công viên để đầu tư xây dựng công viên. Những công viên công cộng có quy mô lớn (trên 10 ha) sẽ được khuyến khích xã hội hóa. Chủ đầu tư có thể xây dựng xen cài, khai thác các khu vui chơi có thu phí nhưng phải có một phần diện tích làm công viên công cộng. Các công trình khai thác trong công viên như quán giải khát, nhà vệ sinh, bãi xe… không được thay đổi chức năng chính của công viên.
TP cũng sẽ kiểm tra danh mục các công viên trong dự án phát triển nhà ở chưa đầu tư xây dựng, nhất là các dự án đã có người dân vào sinh sống. Đối với những trường hợp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa hoàn chỉnh thì yêu cầu chủ đầu tư phải có kế hoạch, lộ trình hợp lý để đầu tư hoàn chỉnh toàn bộ các công viên, cây xanh trong dự án đúng theo quy mô trong đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 và bảo đảm chất lượng cây xanh, mảng xanh.
“Trước mắt, trong giai đoạn 2020 – 2021, TP sẽ tập trung hoàn tất thực hiện đối với các công viên lớn, trung tâm. Thực hiện việc xác định, thiết lập ranh mốc, chủ quyền, số hóa các công viên công cộng trên địa bàn TP. Xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu để thống nhất việc quản lý quy hoạch, mặt bằng các công viên.
Xây dựng tiêu chí phân cấp, phân loại công viên và quy định về việc sử dụng, khai thác mặt bằng công viên. Song song đó, rà soát các trụ sở, cơ quan, nhà dân chiếm dụng trên mặt bằng các công viên và lập đề án thực hiện việc di dời để trả lại mặt bằng các công viên”, ông Lê Hòa Bình nói.
Mặc dù sẽ có nhiều cái khó, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan để TP trở thành một đô thị phát triển, thì buộc phải thay đổi. Quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025, tổng diện tích cây xanh theo quy hoạch được duyệt trên toàn TP khoảng 6.259 ha.
Nó tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh khoảng 6,3 m2/người. Thực tế hiện nay, chỉ tiêu cây xanh công cộng chỉ đạt mức bình quân là 1,6 m2/người (bằng 1/10 so với tiêu chuẩn chung của một thành phố hiện đại, văn minh), thấp xa so với quy hoạch được phê duyệt.
“Việc phát triển, quản lý quy hoạch cây xanh công cộng tập trung quy mô lớn vẫn phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách của TP. Vì vậy, thời gian tới TP sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc, cũng như thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế để thu hút nhà đầu tư cùng tham gia”, ông Hoan nói.
Anh Nguyễn – Báo GD&TĐ
Theo Giáo dục & Thời đại
Ảnh: Một góc công viên Gia Định, quận Gò Vấp sau khi được cải tạo.
Xem bài viết gốc tại đây: