Theo các chuyên gia, điện mặt trời nếu xử lý tốt sẽ không đáng lo ngại. Tất cả các tấm pin đều có thể tái chế, tận dụng gần như toàn bộ, từ silicon, pin, kính… Quan trọng là trách nhiệm, kinh phí dự trữ để tái chế.
Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, nhu cầu sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp ngày càng tăng cao, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới là xu hướng tất yếu trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Với Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, lượng phế thải từ các tấm pin mặt trời này có thể lên đến hàng triệu tấn, nếu không được quản lý sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Hằng năm, pin năng lượng mặt trời cung cấp gần một nghìn tỉ kWh. Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, đầu tư điện mặt trời đã bùng nổ trong vài năm trở lại đây. Đến giữa năm 2020, tổng công suất điện mặt trời được quy hoạch ở nước ta đã lên đến 10.300 MW. Trong đó, có 90 dự án đã vận hành với tổng công suất vào khoảng 5.000 MW, chiếm 8.5% công suất lặp đặt hệ thống điện.
Có thể thấy, so chỉ tiêu Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016, công suất điện mặt trời đang vận hành đã vượt chỉ tiêu năm 2020 (850MW) gấp nhiều lần. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo mở ra cho con người nhiều sự lựa chọn thay thế cho nguồn nhiên liệu truyền thống, phải kể đến pin năng lượng mặt trời (solar panel) là sự lựa chọn của hàng đầu của nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta phải đối mặt với vấn đề những tấm pin mặt trời đã hết hạn sẽ đi về đâu, giải quyết như thế nào. Tuổi thọ trung bình của những tấm pin mặt trời từ 20 – 25 năm, vậy là rất nhiều tấm pin năng lượng mặt trời sắp hết hạn sử dụng. Chưa kể hàng chục dự án điện mặt trời lớn nhỏ đang ồ ạt lắp đặt hiện tại thì không lâu sau lượng rác thải này vô cùng lớn.
Chia sẻ với TTXVN về vấn đề này, ông Trần Đình Sính, Cố vấn kỹ thuật của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, hiện nay, tấm pin mặt trời được sản xuất từ tinh thể silicon với khoảng 70% từ thủy tinh, 15% nhôm để làm khung, 10% nhựa và chỉ 3 – 5% silicon… Với công nghệ hiện tại, hiệu suất tái chế có thể lên đến hơn 90%, giúp tận thu hoàn toàn lại rác thải này.
Điện mặt trời nếu xử lý tốt sẽ không đáng lo ngại. Tất cả các tấm pin đều có thể tái chế, tận dụng gần như toàn bộ, từ silicon, pin, kính… Quan trọng là trách nhiệm, kinh phí dự trữ để tái chế, không để hình thành bãi thải khổng lồ, tạo gánh nặng cho xã hội.
Công nghệ xử lý tấm pin mặt trời sau khi sử dụng đã có, tuy nhiên, chi phí bỏ ra vẫn còn lớn trong khi hiệu quả sinh lời từ việc này vẫn còn nhỏ. Song với sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời gian tới, chi phí xử lý các tấm pin sẽ ngày càng giảm và phù hợp với chi phí mà các nhà đầu tư bỏ ra đầu tư các dự án điện mặt trời.
Cũng theo ông Sính, tại Việt Nam, khối lượng chất thải từ tấm pin mặt trời ở Việt Nam khá nhỏ so với các nước dẫn đầu tuy nhiên để đảm bảo phát triển bền vững. Do vậy, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ tấm pin mặt trời.
Việt Nam cũng đang đi theo hướng của EU, khi nói rất nhiều đến nền kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu của nền kinh tế tuần hoàn là sử dụng và tái sử dụng các nguyên liệu và giảm thải ra môi trường.
Điều này đòi hỏi chính sách của Chính phủ phải rất rõ ràng, cộng với các cơ chế hạ tầng cụ thể. Đơn cử với điện thoại di động, người dân châu Âu khi trả tiền mua điện thoại đã trả tiền để xử lý rồi cho nên khi không dùng nữa thì không phải tự đem bỏ mà sẽ có chỗ để thu gom và nhà sản xuất ban đầu phải có trách nhiệm thu gom, xử lý, lấy lại các phần nguyên liệu để tái sử dụng, giảm rác thải ra môi trường.
Hà Linh – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Ảnh minh họa. (Internet)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/pin-dien-mat-troi-xu-ly-tot-se-khong-dang-lo-ngai-52949.html