Biến đổi khí hậu đang dần phá vỡ quy luật thời tiết ngày Tết

Thời tiết Tết Nguyên đán đang có xu hướng ấm dần lên. Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ toàn cầu đang nóng lên, xu thế chung là nhiệt độ tăng kéo theo hàng loạt quy luật khí hậu cũ bị phá vỡ.

Ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, điểm đáng lưu ý là thời tiết Tết Tân Sửu sẽ ấm hơn so với trung bình nhiều năm. Nhiệt độ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1 độ C. Trạng thái chủ yếu ở Bắc Bộ là ít mưa, ban ngày có sương mù, mưa phùn trưa chiều nắng lên, trời ấm áp. Trung Bộ ít mưa và Nam Bộ nắng ráo cả ngày.

“Như vậy so với năm ngoái, xảy ra rất nhiều hiện tượng nguy hiểm như dông lốc sét mưa đá thì năm nay xu hướng này hầu như không có khả năng xảy ra. Ngoài ra, chúng tôi theo dõi thời điểm này chưa có dấu hiệu xuất hiện hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển. Đây là những thông tin tốt để bà con yên tâm đón Tết” – ông Năng nhận định.

Để người dân hình dung rõ hơn về xu thế thay đổi thời tiết Tết những năm qua, ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, Phòng Dự báo khí hậu đã có thống kê về thời tiết trong 2 ngày 30 tháng Chạp và mùng 1 tết Nguyên đán trong 30 năm qua.

Cụ thể, trong 30 năm, chỉ có 8 tết có rét hại với nhiệt độ trung bình ngày dưới 13 độ C, là các năm 1993, 1995, 1996, 1997, 1998, 2004, 2008 và 2012. 2 năm xảy ra rét đậm với nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C là các năm 2011 và 2013.

Điểm đặc biệt là những năm rét đậm rét hại này đều từ năm 2013 trở về trước. Từ năm 2014 trở lại đây, ở Hà Nội trong ngày 30 và mùng 1 Tết không xảy ra rét đậm rét hại, tức là không có một năm nào nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C. Có thể nói các Tết gần đây là trời chỉ rét, lạnh và có năm trời ấm.

Theo ông Lâm, với thống kê như vậy cho riêng nhiệt độ trung bình hai ngày 30 và mùng 1 cho khu vực Hà Nội thì có thể thấy là nhiệt độ đang ấm lên. Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ toàn cầu đang nóng lên và xu thế chung là nhiệt độ tăng, kéo theo việc quy luật khí hậu cũ bị phá vỡ, hàng loạt thiên tai xuất hiện hiếm khi xảy ra trong quá khứ. Có thể nói Tết năm nay khả năng cũng tiếp tục là Tết ấm, không có rét hại.

“Giống như Tết Canh Tý năm ngoái, ngay trong tháng 1, trời đã có mưa đá, mưa giông trên diện rộng, đây là hiện tượng rất hiếm gặp, cho thấy thời tiết không còn theo các quy luật trước đây nữa” – ông Lâm nói.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nền nhiệt độ trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay có xu hướng ấm hơn so với trung bình nhiều năm.

Dự báo trong ngày 28 – 29/1, các tỉnh Bắc bộ có một đợt không khí lạnh cường độ yếu. Thời tiết Bắc bộ chuyển rét, vùng núi núi có nơi rét đậm nhưng sau đó trời ấm dần lên.

Đến khoảng ngày 2/2 tức ngày 21 tháng Chạp, các tỉnh miền Bắc có không khí lạnh yếu. Ngay trước ngày 23 tháng Chạp, các tỉnh Bắc bộ chỉ có rét về đêm và sáng.

Đến khoảng ngày 5 – 6/2, tức ngày 24 – 25 tháng Chạp, miền Bắc tiếp tục chịu ảnh hưởng của không khí lạnh yếu, lệch đông, các tỉnh miền Bắc nhiều mây về đêm.

Minh Phương – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Biến đổi khí hậu đang dần phá vỡ quy luật thời tiết ngày Tết.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/bien-doi-khi-hau-dang-dan-pha-vo-quy-luat-thoi-tiet-ngay-tet-52931.html