Tp. Hồ Chí Minh tái cấu trúc mạng lưới xe buýt để hoạt động hiệu quả

Bị sụt giảm khoảng 40% sản lượng so với cùng kỳ 2019 và chỉ đạt hơn 53% kế hoạch trong năm 2020, ngành giao thông Tp. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu khôi phục lại sản lượng trong năm 2021.

Bị sụt giảm khoảng 40% sản lượng so với cùng kỳ 2019 và chỉ đạt hơn 53% kế hoạch trong năm 2020, ngành giao thông Tp. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu khôi phục lại sản lượng trong năm 2021; trong đó, sẽ tái cấu trúc lại mạng lưới để hoạt động hiệu quả.

Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, trong năm 2020, khối lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt trên 148 triệu lượt hành khách, giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019 (247,9 triệu lượt hành khách) và đạt 53,9% so với kế hoạch năm 2020 (275,2 triệu lượt hành khách). Theo đó, các tuyến xe buýt có trợ giá đạt 106,4 triệu lượt, giảm 39,44% so với cùng kỳ và đạt 60,5% kế hoạch so với kế hoạch năm 2020 (200,2 triệu lượt hành khách).

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động vận tải xe buýt, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh sẽ tập trung mở rộng, tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt nhằm hình thành mạng lưới tuyến buýt hoạt động có hiệu quả. Mạng lưới tuyến sẽ hướng kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, các tuyến vận tải khách khối lượng lớn (Metro, BRT tương lai), các phương thức vận tải khác.

Cùng với tập trung nguồn lực phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, Thành phố sẽ triển khai đầu tư hệ thống giao thông tĩnh cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Các bến xe buýt được dự kiến đầu tư tập trung tại các huyện, khu vực vùng ven như: huyện Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 8; bãi kỹ thuật xe buýt tại Thủ Đức, Bình Chánh).

Sở Giao thông Vận tải cũng sẽ tham mưu phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) để tăng cường hiệu quả, tích hợp phát triển giao thông công cộng vào quy hoạch sử dụng đất; đề xuất chủ trương triển khai thí điểm xe buýt điện thân thiện với môi trường trên địa bàn; chủ trương triển khai sử dụng phương tiện có sức chứa dưới 17 chỗ để tổ chức cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có sức chứa nhỏ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Trong năm 2020, Sở Giao thông Vận tải cũng đã hoàn chỉnh phương án đánh giá tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu cho dịch vụ xe buýt và cơ chế xử lý vi phạm hợp đồng cung cấp dịch vụ xe buýt; công bố danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề, điều chỉnh điểm đầu cuối tuyến của các tuyến xe buýt… Cùng với đó, ngành giao thông đã triển khai đấu thầu cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên một số tuyến xe buýt trợ giá (các tuyến số 01, 15, 65, 152, 04, 43).

Hiện nay, Thành phố có 127 tuyến xe buýt (gồm 90 tuyến xe buýt có trợ giá và 37 tuyến xe buýt không trợ giá) với 2.261 phương tiện tham gia hoạt động. Trong năm vừa qua, có 6 tuyến xe buýt có trợ giá ngưng hoạt động (các tuyến số 2, 11, 17, 54, 63, 144) và chuyển 2 tuyến xe buýt trợ giá (số 13 và số 94) sang không trợ giá.

Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, việc giảm phương tiện tham gia hoạt động xe buýt do phương tiện đã cũ, không tiếp tục hoạt động trên các tuyến xe buýt và doanh nghiệp vận tải phân bổ lại phương tiện giữa các tuyến xe buýt để đảm bảo duy trì hoạt động.

Tiến Lực/TTXVN

Theo Bnews

Ảnh: Tp. Hồ Chí Minh tái cấu trúc mạng lưới xe buýt để hoạt động hiệu quả. Ảnh minh họa: TTXVN

Xem bài viết gốc tại đây:

https://bnews.vn/tp-ho-chi-minh-tai-cau-truc-mang-luoi-xe-buyt-de-hoat-dong-hieu-qua/185726.html