Cá nuôi chết trên sông Cầu (Bắc Ninh) do thiếu oxy

Liên quan đến tình trạng cá chết trên sông Cầu, đoạn qua xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, ngày 2-2, ông Nguyễn Văn Hợi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Phong cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định cá chết là do thiếu oxy.

Liên quan đến tình trạng cá chết trên sông Cầu, đoạn qua xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, ngày 2-2, ông Nguyễn Văn Hợi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Phong cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định cá chết là do thiếu oxy.

Lượng oxy đo tại lồng nuôi đạt 0,31 mg/lít, trong khi để bảo đảm cho cá nuôi trong lồng sinh trưởng và phát triển tốt phải trên 4mg/lít.

Theo ông Hợi, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiều nơi khu vực Bắc Bộ thời tiết có mưa, trời nhiều mây, nền nhiệt độ duy trì từ 17 đến 22 độ C, không thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cá thả nuôi.

Trước đó, từ ngày 27-1 đến 2-2, cá nuôi lồng (chủ yếu là cá trắm cỏ và cá diêu hồng) của nhiều hộ nuôi trên sông Cầu, đoạn qua xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh bị chết hàng loạt. Ông An Đình Du, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Lương Cầm, xã Dũng Liệt cho biết, hiện trên địa bàn xã có 26 hộ nuôi với 92 lồng cá. Khoảng một tuần trở lại đây, cá chết ở tất cả các hộ nuôi, lên tới hơn 50 tấn. Hiện hợp tác xã đã thống kê thiệt hại, đồng thời đề xuất lên cơ quan chức năng để có phương án hỗ trợ người dân.

Những ngày này, gia đình ông Phạm Văn Nhận, thôn Lương Cầm, xã Dũng Liệt như ngồi trên đống lửa, khi toàn bộ cá trong lồng bị chết với số lượng hơn 10 tấn, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Vụ này, nhà ông nuôi gần 2.500 con cá trắm cỏ với trọng lượng trung bình từ 5-6 kg/con.

“Vụ cá này gia đình tôi coi như là mất trắng, hiện tôi đang nợ hơn 300 triệu đồng tiền cám, giờ gia đình không biết lấy gì để trả nợ, mong các cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ cho gia đình và những hộ nuôi ở đây”, ông Nhận nói.

Những tưởng vụ cá Tết năm nay, gia đình ông Phạm Văn Chiên, thôn Lương Cầm, xã Dũng Liệt sẽ thắng lớn, nhưng do cá chết đến nay gia đình ông mất trắng. Ông Chiên tâm sự: “Tình trạng cá chết năm nào cũng diễn ra, nhưng lần này cá chết trầm trọng nhất, như gia đình tôi, mấy ngày nay chết hơn 5 tấn, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi gắn bó với sông nước, bè cá chính là nhà, nuôi cá là nghề duy nhất để kiếm sống. Cá chết đồng nghĩa việc chúng tôi rơi vào cảnh nợ nần”.

Dự báo những ngày tới trời tiếp tục có mưa nhỏ, do vậy, nguy cơ dịch bệnh, thời tiết tác động xấu đến cá nuôi lồng trên sông rất lớn. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo các hộ nuôi cá lồng chủ động dự phòng nguồn vật tư thường xuyên cho cá (cám nổi, hóa chất, thuốc phòng trị bệnh). Mỗi cụm lồng nuôi cần lắp đặt hệ thống sục khí oxy; lồng bạt dưới đáy lồng nhằm ngăn cản việc tiếp xúc giữa nguồn nước bên trong và bên ngoài lồng nuôi, đồng thời nâng bạt lên bảo đảm độ sâu bạt khoảng 1,5 đến 2 m để cá đủ oxy.

Thái Sơn – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Ảnh: Người nuôi cá tại xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong vớt cá chết lên bờ.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.com.vn/chuyen-lam-an/ca-nuoi-chet-tren-song-cau-bac-ninh-do-thieu-oxy-633982/