Từng bước tháo gỡ khó khăn trong quy hoạch làng nghề

Sản xuất làng nghề vẫn tập trung chủ yếu ở ngoại thành với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, trình độ thủ công, tổ chức sản xuất phân tán và chủ yếu là hộ gia đình. Do đó với mong muốn giữ gìn, phát triển các làng nghề kết hợp hài hòa với việc bảo vệ môi trường, nhiều năm nay Hà Nội đã triển khai các giải pháp như quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các hộ sản xuất ra ngoài khu dân cư, xây dựng các trạm xử lý nước thải…

Quy hoạch các cụm làng nghề còn nhỏ lẻ

Theo quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, hiện nay Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 56% số làng ở khu vực nông thôn. Trong đó số làng nghề đã đăng ký và được Thành phố công nhận và cấp bằng là 297 làng nghề.

Với quy mô như vậy Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với đa dạng các ngành nghề, bao trùm hầu hết các lĩnh vực sản xuất đặc trưng của làng nghề. Hoạt động sản xuất làng nghề của Hà Nội đã thu hút được gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất với khoảng 700.000 lao động thường xuyên chiếm 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên toàn Thành phố, thu nhập bình quân của một lao động làm việc tại làng nghề thường cao hơn từ 2 – 2,5 lần so với sản xuất nông nghiệp.

Trong số 176 cụm công nghiệp làng nghề được quy hoạch, đã có 49 cụm (470 ha) xây dựng hạ tầng, cấp phép hoạt động cho 5.870 dự án, bình quân đạt 800m2/dự án, trong đó có 2.000 dự án đã hoạt động. Tuy nhiên theo Sở Công Thương, quy hoạch các cụm làng nghề còn nhỏ lẻ (7,4ha/cụm), thậm chí có cụm diện tích 1ha lại dàn trải chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Chi, Chủ nhiệm chương trình môi trường và tài nguyên 01C-09, Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội, hiện nay tốc độ đô thị hóa quá nhanh của Hà Nội đã khiến cho rất nhiều làng nghề Hà Nội trở thành “phố nghề”, “phường có nghề”. Tuy nhiên, sản xuất làng nghề vẫn tập trung chủ yếu ở ngoại thành với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, trình độ thủ công, tổ chức sản xuất phân tán và chủ yếu là hộ gia đình.

Hầu hết các cơ sở sản xuất nghề ở các làng nghề gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Tình trạng phổ biến là sử dụng ngay nhà ở để làm nơi sản xuất, với quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, trình độ công nghệ tại các làng nghề đang ở nhiều mức độ khác nhau nhưng chủ yếu đang chuyển từ giai đoạn sản xuất thủ công sang sản xuất cơ giới.

Triển khai nhiều giải pháp

Với không gian sản xuất chật hẹp đang khiến các cơ sở gặp khó trong việc đẩy mạnh quy mô phát triển sản xuất. Đơn cử như Hợp tác xã sản xuất hương làng nghề Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) với sản phẩm hương đen mang thương hiệu Thủy Xuân Tiên đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhưng những năm gần đây Hợp tác xã đang gặp phải một số khó khăn trong đó lớn nhất là về mặt bằng sản xuất.

Làng nghề xã Liên Hà, huyện Đông Anh chuyên sản xuất gỗ mỹ nghệ, để đảm bảo sản xuất các xưởng nơi đây cần diện tích rộng vừa tạo an toàn và không gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư (Ảnh: Lương Hằng)

“Càng gần Tết nguyên đán, lượng tiêu thụ hương tăng cao hơn, thời điểm này Hợp tác xã đang tập trung sản xuất để phục vụ thị trường Tết, năm nay dự kiến cung cấp khoảng 30 tấn hương, phục vụ chủ yếu thị trường trong nước. Chúng tôi luôn chú trọng đổi mới mẫu mã, sản phẩm nâng cao chất lượng sản phẩm, tuy nhiên hiện nay ở địa phương chưa mở rộng khu công nghiệp do đó mặt bằng sản xuất của Hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, để sản phẩm được phát triển bền vững, bên cạnh sự nỗ lực của Hợp tác xã thì rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền các cấp”, ông Nguyễn Tiến Thi, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất hương làng nghề Xà Cầu bày tỏ.

Đó cũng là thực trạng chung tại nhiều làng nghề khác, nhìn chung, các làng nghề đều mong muốn có được mặt bằng sản xuất rộng, vừa đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường. Để giải bài toán thiếu mặt bằng sản xuất, thời gian qua, một số huyện có làng nghề trên địa bàn Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Điển hình như huyện Thường Tín, trên địa bàn hiện có 11 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 5 cụm công nghiệp làng nghề gồm: cụm công nghiệp làng nghề bông len, chăn ga gối đệm Tiền Phong; cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Duyên Thái; cụm công nghiệp làng nghề mộc Vạn Điểm; cụm công nghiệp làng nghề mây tre đan Ninh Sở; cụm công nghiệp làng nghề mộc, cơ khí Văn Tự.

Các cụm công nghiệp có 126 doanh nghiệp, 343 hộ kinh doanh thuê đất, hoạt động sản xuất kinh doanh. Huyện đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và xây dựng xong 5 cụm công nghiệp làng nghề và di chuyển được trên 400 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư các làng nghề đến thuê đất để hoạt động sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp tập trung.

8/11 cụm đã có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, 1 cụm đã được Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống nước thải và 2 cụm có lượng nước thải nhỏ dưới 50m3 đều có hệ thống thu gom nước thải chung của cụm. Có 846/846 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong các cụm công nghiệp đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

Tương tự, tại huyện Đan Phượng có 6 làng nghề truyền thống hoạt động tại xã Liên Hà, Liên Trung, Song Phượng, Hồng Hà, Hạ Mỗ, trong đó có 3 khu làng nghề tập trung chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ tập trung, tổng diện tích 20,8ha. Các chất thải rắn tại các làng nghề như đầu mẩu, bìa gỗ, mùn cưa, bã bào, bụi chà nhám được tái sử dụng làm nhiên liệu lò đốt, ván ép công nghiệp.

Hay như Hoài Đức, cùng với nâng cao nhận thức của người dân làng nghề, huyện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng Cụm công nghiệp Dương Liễu – giai đoạn 2 với quy mô khoảng 17ha để di chuyển các cơ sở sản xuất tại 3 xã: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế vào khu tập trung.

Nguyễn Hoa – Báo LĐTĐ

Theo Lao Động Thủ Đô

Ảnh: Làng nghề Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội), các hộ chủ yếu vẫn hoạt động sản xuất ngay tại gia đình với diện tích hạn chế gây khó khăn cho việc mở rộng, phát triển quy mô (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodongthudo.vn/tung-buoc-thao-go-kho-khan-trong-quy-hoach-lang-nghe-118280.html