Đến nay, hoạt động quản lý và xử lý nước thải dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập khi cân bằng giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
Hàng chục năm nay, Ngân hàng Thế giới -World Bank đã có những nghiên cứu, đánh giá về tình trạng xử lý nước thải tại Việt Nam trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do quá trình công nghiệp hóa và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, với những kiến nghị về các giải pháp nhân rộng cho Chính phủ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của lĩnh vực này. Đến nay, hoạt động quản lý và xử lý nước thải dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập khi cân bằng giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
Nguồn thải, xử lý nước thải tại Việt Nam
Ở Việt Nam, sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế – xã hội đã kéo theo sự gia tăng các vấn nạn ô nhiễm môi trường, rác thải, nguồn nước, không khí… đồng thời đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho công tác bảo vệ, xử lý, khắc phục các vấn đề này. Các Báo cáo Môi trường quốc gia của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) giai đoạn từ năm 2013 đến nay đều đề cập đến các nguồn phát thải nước thải chủ yếu từ sinh hoạt, công nghiệp, y tế và cơ sở dịch vụ, làng nghề, chăn nuôi… Trong khi đó, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thường chú trọng vào các công trình đem lại lợi ích kinh tế, còn các công trình xã hội dù vẫn được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được công suất yêu cầu, chưa phù hợp với tốc độ phát triển và chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của Tổng Cục Môi trường, tính đến tháng 8/2020, trên toàn quốc có 274 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 244 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 89%. Các địa phương có số lượng khu công nghiệp lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Có 191/244 khu công nghiệp có trạm quan trắc tự động, chiếm 78,3%. Có 276 cụm công nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường, 160 cụm công nghiệp có hệ thống tách nước mưa và nước thải, 109 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt 15,8%, 10 cụm công nghiệp có hệ thống quan trắc tự động nước thải.
Theo Tổng cục Môi trường, nước thải công nghiệp chứa nhiều chất ô nhiễm, xả thải ra môi trường khi chưa được xử lý sẽ không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước sông, nước ngầm, ô nhiễm đất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, chế biến thuốc lá, sản phẩm dệt, may mặc, da và giả da… đều sử dụng hóa chất nhưng một số chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn gây nên rò rỉ các hóa chất độc hại ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước mà chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Vẫn còn nhiều khu, cụm công nghiệp chưa có trạm quan trắc tự động nên việc quản lý chất lượng nước thải vẫn hạn chế. Ở nhiều nơi, nước thải công nghiệp vẫn là nguồn gây ô nhiễm chính tại các dòng sông. Việc tuân thủ các quy định của các doanh nghiệp còn mang tính hình thức, việc vận hành các hệ thống xử lý nước thải tập trung vẫn mang tính đối phó và chưa thực sự hiệu quả.
Năng lực quản lý môi trường ở cấp độ quản lý nhà nước và quản trị môi trường của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức thực hiện còn yếu kém, nhất là cấp địa phương, cơ sở, kể cả cấp độ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và quản trị môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề và doanh nghiệp. Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời.
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 chuyên đề Môi trường nước các lưu vực sông cho thấy, nước thải sinh hoạt chiếm 30% tổng lượng thải trực tiếp dẫn ra sông. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, đặc biệt tại hai trung tâm kinh tế – văn hóa lớn nhất cả nước là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, có số dân đông đúc với mật độ dân số đứng đầu cả nước (lần lượt là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2, trong khi mật độ dân số trung bình cả nước chỉ 290 người/km2 theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019) là hai vùng tập trung nhiều nước thải nhất cả nước. Lượng nước thải phát sinh trên 1 đơn vị diện tích ở khu vực đô thị lớn hơn nhiều so với khu vực nông thôn dẫn đến quá tải các hệ thống thoát nước và tiếp nhận nước thải tại các thành phố. Tính đến năm 2018, Việt Nam có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang được vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926 nghìn m3/ngày đêm. Nếu kể cả các dự án đang xây dựng, có khoảng 80 hệ thống xử lý nước thải tập trung, tổng công suất thiết kế khoảng 2,4 triệu m3/ngày đêm. Mặc dù có trên 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng song hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý mới chỉ đạt khoảng 13%. Ngoài ra, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tại Việt Nam còn thiếu đồng bộ, chưa tách biệt được hệ thống thoát nước thải với hệ thống thoát nước mưa khiến cho lượng nước thải sinh hoạt phát sinh lớn, làm giảm hiệu quả của các dự án xử lý nước thải đô thị.
Trong khi đó, báo chí vẫn thường xuyên đưa tin về các sự cố, hậu quả, tác động đến từ nguồn nước thải phát sinh ở các khu công nghiệp, chủ yếu tại hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam. Mặc dù nước thải công nghiệp đã được chú trọng kiểm soát và xử lý, đặc biệt là nước thải phát sinh từ các khu công nghệp với khoảng 88% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, chỉ có 15,8% các cụm công nghệp có hệ thống này, tình trạng nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nằm cả trong và ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn vẫn còn là thực trạng nhức nhối đối với môi trường.
Sản xuất nông nghiệp với các hoạt động canh tác, trồng trọt và chăn nuôi cũng góp phần làm gia tăng lượng nước thải cần xử lý do có chứa lượng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón cao. Ước tính mỗi năm có khoảng 70 nghìn kg và hơn 40 nghìn lít thuốc trừ sâu không được xử lý, xâm nhập vào môi trường, làm gia tăng mức độ ô nhiễm nước mặt, nước ngầm. Nước thải chăn nuôi và nước thải từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản cũng là những nguồn gây ô nhiễm nguồn nước, tuy nhiên hiện nay đều chưa được kiểm soát và xử lý hệ thống, nước thải y tế dù khối lượng không nhiều nhưng lại chứa nhiều chất nguy hại. Bên cạnh đó hoạt động khai thác khoáng sản, nước thải tại các khu vực làng nghề, làng nghề truyền thống gần như không được xử lý, vấn đề quản lý, xử lý chất thải rắn chưa được triệt để cũng góp phần gia tăng nguồn nước thải…
Dù hệ thống xử lý nước thải đã, đang được quan tâm đầu tư nhưng công tác thu gom nước thải còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy xử lý nước thải không hoạt động hết công suất trong khi phần lớn lượng nước thải lại xả thẳng ra các kênh, rạch, sông, hồ. Từ đó xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt cung cấp cho các nhà máy nước sinh hoạt, làm gia tăng chi phí sản xuất nước sạch. Theo nghiên cứu của World Bank, một trong những khó khăn trong việc vận hành hệ thống xử lý nước thải là giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải quá thấp, trung bình chỉ bằng 10% giá nước sạch, trong khi khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải còn thấp, thậm chí một số nhà máy không đủ khả năng vận hành buộc phải đóng của, tạm ngừng hoạt động.
Hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải thiếu đồng bộ đã không thể ngăn được tình trạng khối lượng nước thải không được thu gom và xử lý được xả thẳng ra môi trường, đe dọa đến môi trường sống, nguồn nước, sức khỏe… và trở thành thách thức với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở Việt Nam thì bệnh tiêu chảy (là bệnh có liên quan tới ô nhiễm môi trường nước) vẫn đứng đầu danh sách về tổng số ca bệnh bị mắc trên toàn quốc. Ô nhiễm môi trường nước cũng gây những thiệt hại kinh tế không nhỏ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Thống kê sơ bộ cho thấy, từ năm 2014 đến nay, những vụ cá tôm chết hàng loạt do chất lượng nước nuôi không đảm bảo dẫn đến dịch bệnh đã gây những thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế. Nguồn nước ô nhiễm cũng khiến ngành nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Ô nhiễm nguồn nước, xả nước thải chưa qua xử lý còn làm phát sinh các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội, trong đó, xung đột giữa đối tượng xả nước thải chưa xử lý ra môi trường và người dân chịu tác động của nguồn thải là vấn đề đang nhức nhối hiện nay tại nhiều địa phương trên cả nước.
Giải pháp xử lý nước thải
Để đảm báo phát triển kinh tế – xã hội bền vững, trong dài hạn, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật từ khâu thu gom nước thải đầu vào đến khâu xử lý nước thải đầu ra là điều hết sức quan trọng. Cần xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách bạch với hệ thống thu gom nước mưa bề mặt nhằm giảm áp lực lưu lượng nước thải cho các nhà máy xử lý nước thải. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong quy trình xử lý nước thải tại các nhà máy để nâng cao năng suất, đảm bảo vận hành đúng, đủ công suất thiết kế; đảm bảo thực hiện đấu nối hộ gia đình trong quá trình phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; xây dựng lộ trình tăng doanh thu và tiến tới thu hồi chi phí, nâng cao nhận thức của khách hàng sử dụng dịch vụ vệ sinh môi trường…
Nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn, một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình thu hút đầu tư thông qua việc lựa chọn những ngành nghề, dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch.
Dòng nước trong bãi rác của Nhà máy xử lý rác TP.Cà Mau. Ảnh: Gia Bách |
Tuy nhiên, điều Việt Nam có thể làm trước mắt là tăng cường kiểm soát nguồn thải trọng điểm nhằm giảm lưu lượng nước thải cần xử lý, giảm áp lực cho các nhà máy xử lý và giảm bớt gánh nặng với môi trường. Theo các chuyên gia điều tra thực tế tại một số khu vực trọng điểm, mặc dù số lượng nguồn nước thải được thống kê là rất lớn, tuy nhiên, chỉ có 15-20% là các nguồn thải trọng điểm có lưu lượng nước thải lớn hoặc mức độ ô nhiễm cao. Vì vậy, việc tập trung giám sát và kiểm soát các nguồn thải trọng điểm là vấn đề ưu tiên trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống giám sát quốc gia để giám sát liên tục, tự động, trực tuyến hoạt động xả thải nước của các cơ sở xả nước thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
Kiểm soát chặt chẽ các dự án, quy hoạch, đầu tư công nghiệp, nông nghiệp, y tế, làng nghề, khai thác… với các quy định chặt chẽ về đánh giá tác hại môi trường, tuân thủ quy định xây dựng hệ thống thải nước với hệ thống tiêu thoát nước một cách đồng bộ, không rời rạc, tránh ô nhiễm gia tăng và có chính sách tăng mức phí xả thải đối với các đối tượng xả thải… Cần tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức tiết kiệm nước, tái sử dụng nước nhằm giảm thiểu lượng nước thải trực tiếp; song song với ý thức bảo vệ môi trường. Từ hơn 20 năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách hoàn thiện hơn khung khổ pháp lý cho các vấn đề quản lý và xử lý nước thải, cũng như đầu tư cải thiện vệ sinh môi trường. Kể từ khi ban hành tiêu chuẩn đầu tiên (TCVN 5945:1995) vào năm 1995, các quy định về chất lượng nước thải sau xử lý đã nhiều lần thay đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Nghị định 88 ban hành năm 2007 là cột mốc quan trọng đối với hoạt động quản lý nước thải đô thị và khu công nghiệp do Nghị định này khắc phục nhiều vấn đề cản trở sự phát triển hiệu quả của lĩnh vực này. Bên cạnh đó phải kể đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với những quy định về hệ thống thu gom, xử lý nước thải và quan trắc nước thải tự động của khu công nghiệp trước khi đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh lực hạ tầng kỹ thuật trong Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 về Thoát nước và xử lý nước thải đã được hợp nhất và có hiệu lực từ ngày 15/2/2010. Theo đó, Nghị định quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu dân cư nông thôn tập trung; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó có các quy định cụ thể về Đầu tư phát triển hệ thống thoát nước; Quản lý, vận hành hệ thống thoát nước; Đấu nối hệ thống thoát nước; Giá dịch vụ thoát nước; Trách nhiệm quản lý nhà nước về thoát nước và xử lý nước thải…
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 về quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; trong đó có những điểm mới về đối tượng chịu phí cũng như mức phí. Trong đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải theo quy định đi kèm là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Trường hợp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung và trả tiền dịch vụ xử lý nước thải cho đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo cơ chế giá dịch vụ thì đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Khoản 3 Điều 29 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.
Việc Luật Bảo vệ Môi trường (sửa dổi) có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; rà soát kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ít nhất 90%; yêu cầu các đối tượng có quy mô xả thải lớn có lưu lượng từ 1.000m3/ngày đêm lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khi thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật phục vụ việc theo dõi, giám sát nguồn thải. Vấn đề cần ưu tiên là việc xác định các nguồn thải trọng điểm để kiểm soát chặt chẽ và có những biện pháp xử lý phù hợp./.
PGS.TS Nguyễn Đức Khuyển
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn. Ảnh minh hoạ