‘Thành phố buồn’ đang ngộp thở vì kẹt xe

Đà Lạt – được ví là thành phố trong rừng, giờ người xe chen chúc nên lãnh đạo địa phương phải treo giải thưởng 1,6 tỉ đồng để tìm biện pháp giảm kẹt xe

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Bài toán khó

TP Đà Lạt có nhiều nét kiến trúc độc đáo, cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm, rừng thông bạt ngàn. Đà Lạt luôn đứng trong top những địa điểm du lịch nổi tiếng, được ưa thích bậc nhất ở Việt Nam.

Ngày 28-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Mục đích cuộc thi nhằm chọn ra đề xuất nổi trội, tầm nhìn xa cho giao thông TP Đà Lạt. Trong đó, đề ra các nhóm giải pháp chống ùn tắc giao thông, khai thác giá trị hiệu quả quỹ đất dành cho hạ tầng kỹ thuật của TP mà không làm ảnh hưởng lớn đến những đặc trưng lâu đời ở nơi đây”.

Cũng theo ông Hiệp, cuộc thi này là bài toán khó mà chủ trương của UBND tỉnh đã tổ chức qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều hội thảo đã được diễn ra để các chuyên gia đóng góp ý kiến trong quy hoạch tổng thể Đà Lạt. Cuộc thi không chỉ nhằm chống ùn tắc giao thông trong điều kiện địa hình đồi dốc, đường phố nhỏ hẹp mà còn phải bảo đảm thân thiện với môi trường, giữ được nét đẹp đặc trưng “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Trong thời gian gần đây, lượng ôtô gia đình phát triển nhanh, trong khi các trục đường tại TP Đà Lạt nhỏ hẹp không còn phù hợp dẫn đến liên tục kẹt xe vào giờ cao điểm. Đặc biệt, vào những dịp lễ, Tết, cuối tuần…, đường phố thường xuyên bị kẹt xe, ùn ứ. Đầu năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng lấy ý kiến người dân, chuyên gia giao thông và các sở, ban, ngành về việc lắp đèn tín hiệu giao thông ở một số điểm có mật độ giao thông cao. Đề tài này khiến nhiều người tranh luận, dấy lên các luồng ý kiến trái ngược về việc phá vỡ đặc trưng của Đà Lạt “3 không” (không máy lạnh, không xích lô, không đèn giao thông) nếu như các ngành chức năng làm không cẩn thận, chu đáo.

“Thực tế hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông ở Đà Lạt chưa được đầu tư đồng bộ và khoa học dẫn đến việc thường xuyên ùn tắc giao thông tại các nút giao cũng như các tuyến đường chính trong khu vực trung tâm. Do đó, Đà Lạt cần một giải pháp trước mắt và lâu dài để từng bước cải thiện, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông” – ông Hiệp nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp đặt ra

Ông Lê Tứ, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Lạt, cho biết đây là công trình trọng điểm của UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm phát triển Đà Lạt theo Quyết định 704/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Quy hoạch lại giao thông để tránh ùn tắc cần đến nhiều vấn đề, trong đó phải giải quyết được giao thông đối nội và giao thông đối ngoại, rà soát lại toàn bộ phần hạ tầng của TP” – ông Tứ nói.

Theo TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, hiện nay, chúng ta đang thấy được cơ cấu đô thị ở Đà Lạt thường xuyên bị kẹt xe ở khu “phố Việt” trung tâm Hòa Bình và các bùng binh cửa ngõ Đà Lạt. Còn khu “phố Tây” như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hùng Vương… thì ít kẹt xe hơn, bởi theo hình thái đô thị Đà Lạt trước đây, người Pháp quy hoạch đường sá, nhà cửa rộng rãi.

Đô thị Đà Lạt hiện hữu mấy chục năm nay vẫn ổn bởi dân số không tăng cao, nay đã tới giai đoạn phát triển mới thì dân số ở Đà Lạt tăng, nhà nhà có điều kiện mua sắm xe cộ, chưa kể du khách ưa chuộng đến Đà Lạt dẫn đến kẹt xe là điều không tránh khỏi. Giải pháp đặt ra là Đà Lạt nên phát triển những khu đô thị mới ngoài những khu đô thị hiện hữu và đường sá phải được quy hoạch rộng rãi tương đương với khu “phố Tây” trở lên. Đà Lạt hiện nay chủ yếu là “cao tầng hóa” khu đô thị hiện hữu mà không tính đến chuyện hạ tầng không kham nổi.

Bài và ảnh: ĐÌNH THI – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Kẹt xe diễn ra thường xuyên tại TP Đà Lạt mỗi dịp hè, lễ, Tết…

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/thoi-su/thanh-pho-buon-dang-ngop-tho-vi-ket-xe-20210128215449557.htm