Quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, bất cập gây bức xúc cho chủ phương tiện tham gia dịch vụ.
Đến ngày 31/12/2020, toàn bộ các trạm thu phí BOT trên cả nước đã đồng loạt vận hành các cổng ETC với kỳ vọng tháo gỡ những điểm nghẽn và phiền nhiễu trên đường lưu thông của phương tiện toàn quốc, nâng cao minh bạch trong quản lý thu phí BOT. Tuy nhiên, đến nay vẫn có 4 dự án đường cao tốc (4 trạm) của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý (Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành) gặp vướng mắc về nguồn vốn thực hiện ETC.
Bên cạnh đó, trong tổng số 33 trạm thu phí thuộc giai đoạn 2, có 8 trạm có tính chất đặc thù được kiến nghị không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện để đảm bảo hiệu quả gồm 2 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (cầu Mỹ Lợi và Thái Hà), 3 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, Bờ Đậu – Quốc lộ 3, trạm T2-Quốc lộ 91) và 3 trạm Quốc lộ 51 nên việc triển khai ETC không hiệu quả do thời gian còn lại quá ngắn dưới 3 năm.
Cũng liên quan tới vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng, mới đây một người dân ở TP Bắc Ninh thông tin, dù xe ô tô của mình đỗ ở nhà, nhưng vẫn bị trạm BOT Bắc Ninh – Hải Dương trên QL 38 trừ tiền trong tài khoản thu phí không dừng (tài khoản giao thông) 4 lần trong ngày 16/1 với số tiền là 14.000 đồng.
Lý giải sự việc trên, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VTEC cho biết, trạm thu phí trên không phải do VETC quản lý, vận hành.Trạm thu phí Bắc Ninh – Hải Dương trên QL38 do nhà cung cấp dịch vụ giai đoạn 2 là Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) lắp đặt thiết bị, quản lý vận hành và kết nối liên thông với VETC. Khách hàng dán thẻ của VETC, khi thiết bị tại trạm thu phí gọi trừ tiền của xe nào thì VETC sẽ trả về và trừ tiền đúng xe đó. Tuy nhiên, có sự việc xe không đi qua trạm nhưng vẫn bị trừ tiền do thiết bị tại trạm gọi không đúng xe. Trường hợp này thiết bị lắp tại trạm gọi lên trung tâm dữ liệu bị lỗi do gọi nhầm xe. Phía Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) cũng cho hay, xảy ra sự việc này là do lỗi phần mềm của hệ thống Front-and (thiết bị tại trạm).
Về số lượng phương tiện ô tô tham gia dán thẻ, hiện cả nước có hơn 4,6 triệu ôtô nhưng lại không có quy định bắt buộc chủ xe phải dán thẻ Etag để thực hiện ETC. Đến nay mới chỉ có hơn 1 triệu dán thẻ Etag. Đáng lưu ý, về tổ chức dán thẻ, ông Vinh cho biết trước đây VETC có hợp đồng dán thẻ với nhiều trung tâm đăng kiểm nhưng là việc làm thêm của các trung tâm. Trong khi đó, nếu trung tâm đăng kiểm dán thẻ sai, xe qua trạm không thanh toán được phải bóc thẻ dán lại. Tiền công dán thẻ là 50.000 đồng/xe nhưng người dán sai sẽ bị phạt 300.000 đồng nên nhiều trung tâm đăng kiểm không muốn làm. Do vậy, hiện có khoảng 30% số trung tâm đăng kiểm trong cả nước đang thực hiện dán thẻ Etag.
Như vậy là vẫn còn không ít hạn chế của hệ thống thu phí tự động không dừng. Yêu cầu hoàn thiện và khắc phục các bất cập của hệ thống thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, Công ty cổ phần Giao thông số VN hoàn thiện hệ thống hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan đơn vị trong việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên Bộ GTVT cho biết, quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, bất cập gây bức xúc cho chủ phương tiện tham gia dịch vụ.
Để khắc phục các tồn tại, vướng mắc nêu trên, đảm bảo hệ thống vận hành đồng bộ, hiệu quả, kết nối liên thông đáp ứng nhu cầu xã hội, Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, Công ty cổ phần Giao thông số VN căn cứ hợp đồng dự án, phương án đầu tư được chấp thuận và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 19/2020 khẩn trương rà soát, lắp đặt hoàn thiện hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các cửa thu phí còn lại đảm bảo đồng bộ, phát huy hiệu quả của hệ thống. “Tổng cục Đường bộ VN giám sát, đôn đốc các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng” – Bộ GTVT yêu cầu.
Liên quan đến quản lý, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN phối hợp với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, Công ty cổ phần Giao thông số VN tăng cường phối hợp trong tổ chức vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng đảm bảo khắc phục các tồn tại, bất cập xảy ra trong thời gian qua. Đặc biệt lưu ý xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc thường xuyên xảy ra tại tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình.
Theo Đại Đoàn Kết
Ảnh: Vẫn còn tồn tại, bất cập gây bức xúc cho chủ phương tiện tham gia dịch vụ ETC.
Xem bài viết gốc tại đây:
http://daidoanket.vn/khac-phuc-bat-cap-he-thong-etc-551139.html