5 năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long đã phải hứng chịu 2 đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh; khiến hàng chục nghìn hécta lúa, cây ăn trái bị thiệt hại đặc biệt là cây sầu riêng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thiệt hại nặng nề nhất là vùng Cai Lậy (Tiền Giang) khi vùng nước tưới tiêu độ mặn đã đến ngưỡng 8 và những cây sầu riêng nơi đây đang đếm ngược từng ngày để ‘chết’. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những thân cây gầy rộc đi, từng tầng lá bắt đầu vàng úa biểu hiện cho việc sắp tàn lụi. Ít ai có thể tưởng tượng rằng, chỉ vài năm trước, nơi đây được coi là ‘thủ phủ sầu riêng’ của miền Tây Nam Bộ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
‘Sầu riêng thì không phải lúc mặn nó chết ngay đâu, mà sau mặn mới chết. Đất bị nhiễm mặn, rễ nó chết là chết từ từ,’ những người nông dân trồng sầu riêng ở đây cho biết. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Năm Toàn, một nông dân trồng sầu riêng ở Cai Lậy lặng người đứng cạnh những gốc sầu riêng đã bị đốn hạ (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Nguyễn Văn Lõi trước đây anh cũng trồng sầu riêng. Tuy nhiên bâu giờ anh đi đốn sầu riêng để cải thiện thu nhập. Anh Lõi tỏ ra hoang mang vì khi hết cây để đốn, thì anh cũng hết sinh kế tạm thời. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một bãi tập kết gỗ sầu riêng hình thành sau khi hạn mặn. Một gốc cây này khi đã đốn xuống chỉ còn có giá 20 ngàn đồng, trong khi lúc còn sống và cho ra trái, nó có thể đem lại cho chủ vườn 10-15 triệu đồng/năm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một người nông dân trồng sầu riêng khác ở Cai Lậy là ông Tư Văn. 110 gốc sầu riêng của ông đang nằm chờ chết vì vô phương cứu chữa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Có cây vẫn còn lá, nhưng đang héo rũ. Có cây đã trụi còn trơ khung. Vài cây lớn chỉ còn mỗi thân, phía ngọn vát chéo xuống như bị chém. Nhưng dù hình thức ra sao, thì kết cục chung đều là phải chặt: đất quá mặn và rễ cây đã chết rồi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Tư Văn bên trong ngôi nhà đã 3 năm rồi vẫn chưa được hoàn thiện nốt của mình vì mòn mỏi chờ trúng một vụ sầu riêng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Đỗ Thái Hùng là một trong những người trồng sầu riêng hiếm hoi giữ được nhiều cây còn sống, nhưng vụ vừa rồi cũng không thu hoạch được gì vì ảnh hưởng hạn mặn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
‘Sầu riêng khó trồng, nó bệnh rồi thì không cứu được, cứu thuốc gì cũng không được, như là cái bao tử bị hư rồi thì ăn gì cũng không được,’ những người nông dân giải thích. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những cây sầu riêng chết héo quay quắt chọc thẳng lên nền trời xanh thăm thẳm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những gốc sầu riêng mới đang được trồng với niềm hy vọng nhỏ nhoi của những người nông dân nơi đây. Cuộc đời của họ đã gắn chặt sâu đến nỗi họ có thể mất tất cả nếu sầu riêng chết hết. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ở huyện Thới Bình, Cà Mau, những người nông dân trồng lúa nơi đây lại đang đánh vật với hạn mặn xâm nhập khiến nền kinh tế của họ kiệt quệ. Ông Trần Bình Đặng đứng lặng người bên ruộng lúa kết hợp vuông tôm của gia đình mình hiện đã chết hết. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong gần 20 năm, mô hình lúa-tôm là chìa khóa giúp người nông dân ở huyện Thới Bình, Cà Mau chống chọi lại với sự khắc nghiệt của mảnh đất này. Tuy nhiên do ảnh hưởng của hạn mặn, ngoài ruộng nhìn từ xa vẫn còn màu xanh nhưng lại gần mới thấy gốc lúa đã chết khô. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đầu năm 2020, nước nhiễm mặn quá nặng, tôm thả xuống không lớn nổi. Cuối tháng Tám, ảnh hưởng của bão gây ngập úng, tôm cua sót lại bò khỏi vuông, trôi ra sông. Những con còn sót lại cũng chết vì đáy vuông tôm bị lạnh. Khi gieo sạ vụ lúa Đông Xuân, đất bị nhiễm phèn và mặn quá nặng, lúa cũng chỉ lên được tầm một gang tay là bắt đầu chết. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đáng nói là, thực tế đáng buồn trên được dự báo sẽ còn xảy ra, khi nhiều nghiên cứu công bố trong thời gian gần đây đã cảnh báo vùng đồng bằng này hiện chỉ cao 1-2m so với mực nước biển và nếu tiếp tục để khai thác cát và nước ngầm tự do như hiện nay thì đến năm 2100, nguy cơ vựa lúa số 1 của Việt Nam sẽ bị chìm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)