Gỡ vướng cho xe buýt điện, buýt mini

Nhiều sở, ngành và chuyên gia khẳng định để kéo khách về với xe buýt, ngoài ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành thì đề xuất sử dụng xe buýt điện, buýt mini là hoàn toàn phù hợp

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa có văn bản đề nghị UBND TP có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận thống nhất chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn TP. Song song đó, sở này cũng tiếp tục đề xuất lại việc mở 6 tuyến buýt mini loại từ 12 đến dưới 17 ghế ngồi phục vụ người dân ở các tuyến đường nhỏ, hẻm trên địa bàn TP HCM từng bị Bộ GTVT bác bỏ.

Làm để kéo khách

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ – Sở GTVT TP HCM, đề xuất mở tuyến xe buýt điện, buýt mini của sở này được hầu hết các sở, ngành đồng tình. Ngoài ra, các đề xuất này phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 12 của Chính phủ, Quyết định số 318 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; cũng như Nghị quyết Đảng bộ TP HCM lần thứ XI và Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP HCM vừa được UBND TP thông qua.

Đối với xe buýt mini, dù bị Bộ GTVT bác đề xuất (cho rằng không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 10/2020 của Chính phủ) nhưng ông Đỗ Ngọc Hải cho rằng đủ cơ sở pháp lý để triển khai, đặc biệt đối với đô thị đặc thù như TP HCM. “Vì lẽ này, sở vừa có văn bản đề xuất UBND TP tiếp tục kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho TP HCM triển khai loại hình xe buýt mini phục vụ nhu cầu đi lại của người dân” – Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ giải thích.

Theo ông Hải, trong văn bản, Sở GTVT TP HCM đã nêu rõ loại hình này giúp mở rộng phạm vi phục vụ, bảo đảm tiêu chí trong phạm vi 500 m người dân tiếp cận được xe buýt, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Bộ GTVT, HĐND và UBND TP HCM.

Thống kê của Sở GTVT TP HCM cho thấy hiện nay, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chỉ mới đáp ứng được 9,2% nhu cầu giao thông đô thị TP. Theo mục tiêu của đề án tăng cường VTHKCC, đến năm 2025, khối lượng vận chuyển đáp ứng 15% nhu cầu. Để đạt được mục tiêu này, TP HCM đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phát triển VTHKCC, trong đó có giải pháp mở rộng mạng lưới xe buýt công cộng. “Buýt điện và buýt mini được chúng tôi kỳ vọng khi đưa vào sử dụng góp phần kéo khách về với xe buýt” – ông Hải nhấn mạnh.

Lý giải cho kỳ vọng trên, ông Hải phân tích: Với thực trạng hạ tầng và phương tiện như hiện nay, hành khách khó tiếp cận mạng lưới xe buýt. Thứ nhất, xe buýt chưa thể len lỏi vào nhiều tuyến đường nhỏ (chiếm 56% toàn TP) mà chỉ hoạt động trên các tuyến đường bề rộng trên 7 m (chiếm 44%). Thứ hai, phương tiện giao thông cá nhân tăng mỗi ngày dẫn đến ùn tắc, hành trình đi lại bằng xe buýt kéo dài. Thứ ba, toàn TP HCM có 2.226 phương tiện, trong đó chỉ có khoảng 485 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, còn lại sử dụng dầu diesel và vẫn còn gần 40% phương tiện cũ chưa được đầu tư thay mới theo Đề án thay thế 1.680 xe…, khiến hành khách ngày càng “chê” xe buýt.

Không chỉ vậy, mạng lưới tuyến xe buýt hiện nay chưa mở mang kịp với sự phát triển của các khu đô thị mới tại các quận, huyện ngoại thành, nhất là khu vực Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh… Do đó, để kéo khách lên xe buýt cũng như góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, ngành giao thông phải triển khai dần những phương thức vận tải mới như xe buýt điện và xe buýt mini.

“Xe buýt điện sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường; còn buýt mini sức chứa nhỏ 12 đến dưới 17 chỗ giúp kết nối, “gom” khách trên các tuyến đường nhỏ, khu dân cư, bảo đảm tiêu chí trong phạm vi 500 m người dân có thể tiếp cận xe buýt” – Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ khẳng định.

Hãy vì cái chung

Không chỉ ủng hộ 2 đề xuất của Sở GTVT TP HCM, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, còn cho rằng đối với một đô thị lớn như TP HCM – dân số trên 10 triệu, nhu cầu đi lại rất lớn – thì việc triển khai 2 loại hình này rất cấp thiết. Vì vậy, các ngành, các cấp hãy vì cái chung mà nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo.

TS Vũ Anh Tuấn cho biết thực tế, VTHKCC ở TP HCM hiện chỉ đáp ứng trên 9% nhu cầu đi lại (trong đó xe buýt đáp ứng 6%, còn lại là taxi và xe công nghệ) – tỉ lệ quá khiêm tốn so với một TP lớn. Chưa kể nhu cầu đi lại của người dân cũng đa dạng, họ có thể chọn xe công nghệ, xe ôm, xe buýt, metro…, tùy mục đích.

“Hiện nay, một số tập đoàn nước ngoài như Grab nhanh nhạy “nhảy vào” chia sẻ thị phần vận tải. Nếu nhà nước không nhanh chóng thay đổi, nâng cao chất lượng, mở mang các loại hình dịch vụ mới thì sẽ mất cơ hội kéo khách đi lại bằng VTHKCC” – TS Vũ Anh Tuấn nhìn nhận.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức nhấn mạnh VTHKCC buộc phải phát triển đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, qua đó góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông. Và lẽ hiển nhiên, muốn phát triển VTHKCC thì ngoài nâng cao chất lượng phục vụ, ngành vận tải còn phải cung cấp đa dạng các loại hình vận tải cũng như mạng lưới tuyến phải phủ rộng, phủ đều từ trung tâm TP đến ngoại thành, các khu đô thị mới.

“Tóm lại, UBND TP HCM nên nhanh chóng kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ những rào cản, đồng thời phải chuẩn bị cơ sở để triển khai ngay khi được thông qua 2 đề xuất này” – TS Vũ Anh Tuấn góp ý.

Đồng tình, hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông nhấn mạnh quy định nào không còn phù hợp, không theo sát thực tế thì cần phải sớm điều chỉnh để không ngăn cản sự phát triển chung. Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách và Du lịch TP HCM (nguyên Trưởng Phòng Quản lý Vận tải – Sở GTVT TP), việc xã hội hóa trong lĩnh vực GTVT đã đem lại cho TP HCM rất nhiều công trình, dự án tốt, có chất lượng. Vì vậy, việc Bộ GTVT bác đề xuất của Sở GTVT TP về buýt mini tích hợp ứng dụng công nghệ trên địa bàn TP xem ra cần phải xem lại.

“Luật Giao thông Đường bộ cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn đã ra đời cách nay 12 năm, trong khi hiện tại công nghệ thông tin đã phát triển như vũ bão. Vì vậy, Bộ GTVT nên rà soát lại để khuyến khích những đề xuất đem lại hiệu quả chung cho toàn xã hội” – ông Lê Trung Tính phân tích, đồng thời cho biết ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Sở GTVT TP liên quan đến việc thí điểm xe buýt điện và buýt mini.

“Cứ tình trạng này còn vắng khách dài dài”

Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Ánh Thu (ngụ quận 12, TP HCM). Chị Thu nói nếu biết chạy xe máy, chị sẽ không bao giờ đi xe buýt. Bởi lẽ, dù 8 giờ mới vào làm nhưng 6 giờ 15 phút là chị phải tranh thủ đi bộ ra trạm, leo lên xe buýt xuôi đường Trường Chinh – Cộng Hòa đến công ty ở Lăng Cha Cả. “Phải đi sớm chứ đi trễ chắc chắn sẽ mắc kẹt ở đường Cộng Hòa không dưới 30 phút” – chị Thu ngao ngán.

Trong khi đó, chị Trần Thanh Thúy (ngụ quận Tân Phú) thì than phiền xe buýt chạy đường lớn còn êm chứ rẽ vô các đường nhỏ, tài xế vừa chạy vừa thắng do đường hẹp, xe to thì hành khách cứ gọi là… lên ruột!

Thu Hồng – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Hành khách ngày càng ngao ngán xe buýt sử dụng dầu diesel vì phương tiện xuống cấp, thường xuyên “chết đứng” trong vòng vây xe cộ Ảnh: TẤN THẠNH

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/thoi-su/go-vuong-cho-xe-buyt-dien-buyt-mini-20210115220845184.htm