Nhiều chuyên gia cho rằng việc dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch là rất cần thiết, đặc biệt là khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ vì có thể ảnh hưởng đến nông nghiệp.
Trong nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch, mới đây, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng đã đề xuất phương án dẫn nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch thông qua Hồ Tây.
Theo đó, để bổ cập nước vào Hồ Tây, đơn vị sẽ xây dựng trạm bơm cố định đặt sát mép nước sông Hồng, đặt tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm đi qua ngõ 464 Âu Cơ, đê sông Hồng dẫn vào mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây; lọc nước qua bể lắng trước khi đưa nước vào Hồ Tây. Nước Hồ Tây xả qua các cửa điều tiết A và B để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.
Ý tưởng bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, tuy nhiên, theo họ cần nghiên cứu kỹ vì có thể ảnh hưởng đến nông nghiệp.
Chia sẻ với Vnexpress, GS.TS Nguyễn Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng triển khai không đơn giản và phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành mới khả thi.
Theo GS Hồng, muốn lấy nước từ sông Hồng bổ trợ cho sông Tô Lịch phải lập quy hoạch, trong đó tính toán nhu cầu nước là bao nhiêu, lấy vào thời điểm nào và phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp của sông Hồng.
Sau khi có quy hoạch, mới tính đến chọn phương án nào khả thi, bổ cập qua hồ Tây hay qua cống Liên Mạc – phương án nào giá thành hợp lý thì triển khai.
“Sông Hồng chảy qua nhiều tỉnh, thành nên không thể một địa phương nào đó thích thì lấy nước, khi lấy nước làm nông nghiệp sẽ không ai thắc mắc nhưng lấy phục vụ mục đích khác cần giải thích rõ”, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi nói và cảnh báo nếu không tính toán kỹ, việc lấy nước từ sông Hồng có thể làm thay đổi dòng chảy, tác động đến hai bờ sông và dồn lượng bùn, cát xuống cống Xuân Quan (Hưng Yên) – cống của hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.
Ngoài ra, những năm qua mực nước sông Hồng ngày càng xuống thấp, lượng nước về đến cống Xuân Quang (Hưng Yên) vẫn thiếu, nếu còn lấy nước bổ cập cho sông Tô Lịch thì cống Xuân Quan sẽ cạn kiệt nước.
“Nếu ưu tiên nông nghiệp, việc lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch không được chọn, còn ưu tiên cải thiện môi trường Tô Lịch thì phải hy sinh nông nghiệp”, GS Hồng nói.
Cũng đồng tình với ý tưởng trên, TS Đào Trọng Tứ (Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam) bày tỏ quan điểm, Hà Nội đang xây dựng hệ thống cống dọc sông Tô Lịch để gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, sau đó một phần nước thải đã qua xử lý sẽ được bổ cập lại cho dòng sông này. Tuy nhiên, ông Tứ cho rằng lượng nước đó chưa đủ nên vẫn cần dẫn nước từ sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch.
Còn chia sẻ với báo Kinh tế đô thị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường GS.TS Trần Đức Hạ cho rằng, biện pháp dẫn nước sông Hồng để bổ cập, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch sẽ là giải pháp hợp lý kết hợp với việc thu gom toàn bộ nước thải để xử lý mà TP.Hà Nội đang triển khai. Theo lý giải của GS.TS Trần Đức Hạ, đã là sông phải có dòng chảy và biện pháp dẫn nước sông Hồng vào bổ cập cho sông Tô Lịch là một trong những việc làm cần thiết.
Cũng theo GS.TS Trần Đức Hạ, việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch đã được đưa vào quy hoạch thoát nước của Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2012. Bên cạnh đó, vào mùa khô, khi lượng mưa thấp, nếu không có nước bổ cập, sông Tô Lịch sẽ đứng trước nguy cơ chạm đáy và trở thành dòng sông chết.
Cùng quan điểm trên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, việc dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch là rất cần thiết, đặc biệt là khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động. Theo lý giải của các chuyên gia, khi nhà máy hoàn thành, lượng nước thải từ các hộ dân dọc bờ sông sẽ chảy vào hệ thống cống gom, tức không còn chảy trực tiếp xuống sông. Như vậy, nếu không có nước bổ cập, chỉ trông chờ vào lượng nước tự nhiên thì sông Tô Lịch cũng chỉ là một cái ao tù, không có nhiều giá trị.
Trước đó, hồi tháng 7/2019, Hà Nội trải qua đợt mưa lớn kéo dài khiến mực nước ở Hồ Tây tăng cao. Để đảm bảo an toàn, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã tiến hành mở các cửa thoát để đưa nước trong hồ về mức an toàn và mở cửa xả dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch.
Sau khi được bơm hàng triệu mét khối nước từ hồ Tây, sông Tô Lịch giảm hẳn mùi hôi thối, làn nước chuyển từ màu đen sang màu xanh, mùi hôi thối, ô nhiễm cũng biến mất.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc dẫn nước sông Hồng để giải cứu sông Tô Lịch chỉ là giải pháp tình thế, không phải bền vững. Điều quan trọng là phải xử lý tận gốc tại nguồn phát thải, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, và có chiến lược thu gom, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa giải cứu được dòng sông.
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện của Hà Nội là Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Những năm qua, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa và sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông đã khiến sông Tô Lịch trở thành dòng sông “chết”. Mặc dù chính quyền Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để hồi sinh nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện. |
Nhật Hạ – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Nước sông Tô Lịch chuyển từ màu đen sang màu xanh sau khi bơm hàng triệu mét khối nước từ hồ Tây sang hồi năm 2019. (Ảnh: Internet)
Xem bài viết gốc tại đây:
https://kinhtemoitruong.vn/lay-nuoc-song-hong-cuu-song-to-lich-chuyen-gia-noi-gi-52495.html